<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Phát hiện loài rết mới ở Việt Nam

16/02/2023

Lớp Rết còn gọi là lớp chân Môi (Chilopoda), phân ngành Nhiều chân (Myriapoda), ngành Chân khớp (Arthropoda). Đa số các loài rết là động vật ăn thịt, chúng là nhóm động vật không xương sống ăn thịt có kích thước cơ thể lớn nhất trên cạn, vì vậy chúng có vai trò không thể thay thế trong hệ sinh thái. Rết là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái cạn, giúp duy trì sự ổn định và cân bằng sinh thái của hệ thống tự nhiên. Rết còn là thiên địch của một số loài côn trùng gây hại như mối, ấu trùng cánh cứng… Trong hoạt động sống của mình, rết tham gia vào chu trình sinh địa hóa, giúp phân giải các chất hữu cơ và tuần hoàn vật chất… Bên cạnh đó, nọc độc của rết có những giá trị trong y dược, được dùng để chữa một số loại bệnh theo y học dân gian.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài thuộc kế hoạch nghiên cứu khoa học do Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E-1.2, nhóm nghiên cứu đã phát hiện và mô tả một loài mới thuộc giống Scolopocryptops tại Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên. VQG Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, bao gồm các hệ sinh thái rừng trên núi cao thuộc dãy Hoàng Liên, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143 m, là “nóc nhà” của Đông Dương. Kiểu hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, có nhiều loài quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao ở khu vực và toàn cầu.

Loài rết mới được nhóm tác giả đặt tên khoa học là Scolopocryptops hoanglieni, danh pháp loài được đặt theo địa điểm ghi nhận. Các mẫu vật thu thập được ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển. Chiều dài cơ thể 35 mm và chiều rộng đốt thân lớn nhất 2,7 mm (ảnh), đây là loài có cơ thể mảnh hơn khá nhiều so với các loài còn lại  của giống Scolopocryptops. Điểm chú ý, trên  tấm lưng của loài mới này có một rãnh dọc lớn ở chính giữa và là dấu hiệu đặc trưng của loài.

Cho đến nay, Việt Nam đã ghi nhận được 71 loài rết thuộc 27 giống, 13 họ, 4 bộ. Các nghiên cứu về rết ở Việt Nam cho thấy còn chưa nhiều, kết quả chưa phản ánh được đầy đủ, thậm chí còn rất nhỏ so với tiềm năng. Bên cạnh đó, các công bố về rết chủ yếu được thực hiện bởi những tác giả nước ngoài. Chính vì vậy, khu hệ rết ở Việt Nam được nhận định là còn rất nhiều loài chưa được ghi nhận và mô tả.

Hình ảnh loài rết mới Scolopocryptops hoanglieni.

A, B - Tấm đầu và tấm trước đầu; C, D - Tấm lưng; E - Các đốt thân nhìn từ mặt bên (Thang đo: 1 mm).

Việc nghiên cứu đa dạng loài rết nói riêng và đa dạng sinh học nói chung thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Việt Nam. Kết quả này trước hết là góp phần bổ sung thông tin về tài nguyên sinh vật quốc gia, sau đó là phục vụ trực tiếp cho các công tác giám sát sinh học, bảo tồn loài cũng như đánh giá khả năng thích nghi của các loài đối với những biến đổi của môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu.

Nguồn tài liệu: Son X. Le, Arkady A. Schileyko, Anh D. Nguyen (2023). A review of Vietnamese Scolopocryptops Newport, 1844 (Chilopoda: Scolopendromorpha), with a description of S. hoanglieni n. sp. and the updated generic list of species. Zootaxa 5228(4): 441-447.

                    Bài và ảnh: Lê Xuân Sơn (Viện Sinh thái nhiệt đới)