Ghi nhận loài rùa đặc biệt quý hiếm tại rừng đặc dụng Đèo Cả, tỉnh Phú Yên

16/05/2024

Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS Việt Nam), Đông Nam Á là khu vực có các loài rùa cạn và rùa nước ngọt đa dạng nhất thế giới, với hơn 90 loài, chiếm hơn 25% tổng số các loài rùa cạn và rùa nước ngọt đã biết. Việt Nam là nơi sinh sống của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bao gồm hai loài đặc hữu, Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) và Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis). 

Thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Đèo Cả - Hòn Vọng Phu, tỉnh Phú Yên”, tháng 01/2024 đoàn cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và một số đơn vị phối hợp đã thực hiện khảo sát tại 3 khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả, Tây Hoà và Sông Hinh. Trong thời gian khảo sát theo tuyến Hảo Sơn - Suối Sâu (Rừng đặc dụng Đèo Cả), các nhà khoa học đã ghi nhận loài Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) có khối lượng cơ thể khoảng 1 kg, đây là loài cực kỳ quý hiếm và đặc hữu của khu vực Phú Yên và các tỉnh lân cận.

Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata), có tên gọi khác là Rùa hộp Việt Nam thuộc họ Rùa đầm (Geoemydidae), phân bố chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và Đắk Lắk. Đặc điểm bên ngoài có các tấm rìa ở bên sườn cong xuống phía dưới; mai màu nâu nhạt, có một sọc mảnh sáng màu chạy dọc giữa các tấm sống, viền hai bên bởi sọc đen mảnh; phần trên các tấm sườn thường có một vệt màu nâu nhạt hoặc ô liu, viền đen phía dưới sườn, phần dưới các tấm sườn có màu trắng, màu kem hoặc nâu nhạt, không có vệt sẫm màu nhưng có các đốm hoặc vết nâu đen; phần trên của các tấm rìa màu nâu vàng với những đốm đen; yếm có thể khép kín hoàn toàn với mai; không có khuyết ở phía sau; các tấm yếm màu vàng nhạt, có đốm đen lớn; đầu hơi thon nhọn ở phía trước, mũi ngắn, đầu màu vàng nhạt hoặc nâu đỏ, có các đốm sẫm màu nhỏ; thường không có sọc nhỏ sẫm màu ở bên mũi; cằm và họng màu vàng hoặc màu kem; chân và đuôi màu xám hoặc vàng nhạt.

      
      

Rùa hộp trán vàng miền Nam
(Nguồn: https://cuora.org/cuora-picturata)

Các loài rùa thông thường chỉ có thể rụt đầu và chân vào mai, vẫn để “hở da thịt” bên ngoài. Nhưng Rùa hộp trán vàng miền Nam có điểm khá đặc biệt và độc đáo, chúng có thể biến mình thành một chiếc hộp kín hoàn toàn bằng cách rụt đầu, chân vào trong và “đậy nắp” lại. Khi đó chúng trở nên bất khả xâm phạm vì không để hở bất kỳ một phần cơ thể nào. Chiếc “nắp hộp” của chúng chính là hai mảnh mai (phần trên) và yếm (phần dưới) có thể cử động, đây là đặc trưng của các loài rùa hộp mà các loài rùa khác không có. Khi đậy chặt “nắp”, kẻ thù dù khéo léo đến mấy cũng không thể xâm hại đến các phần mềm của cơ thể đã thu gọn nằm bên trong.

Theo Danh lục đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN, 2023), Rùa hộp trán vàng miền Nam xếp ở cấp độ bảo tồn CR (Cực kỳ nguy cấp), ước tính có khoảng 3.000 - 10.000 cá thể trong tự nhiên. Tại Việt Nam, số lượng các loài rùa hộp trán vàng đang bị giảm sút nhanh chóng do mất môi trường sống và nạn săn bắt. Ước tính có khoảng 50% số lượng rùa hộp trán vàng đang giảm sút và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái cũng như có nguy cơ tuyệt chủng. Loài Rùa hộp trán vàng miền Nam xếp ở cấp độ IB của Nghị định 84/2021/NĐ-CP, thuộc danh mục các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Để bảo tồn và phát triển loài Rùa hộp trán vàng miền Nam đặc biệt quý hiếm, cần thiết phải có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả như bảo vệ môi trường sống, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ, không săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, thực thi nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công ước Quốc tế có liên quan về bảo vệ và chống buôn bán động vật hoang dã.

Tin bài và ảnh: TS. Lê Xuân Đắc1, TS. Vũ Đình Duy1, Đinh Thế Dũng1,
   GS. TS. Nguyễn Đăng Hội1, ThS. Hoàng Thanh Trường2
   TS. Nikolay A. Poyarkov3
1Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga
2Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
3Đại học Tổng hợp Moscow, Liên bang Nga


Nguồn tài liệu:
1. Nghị định 84/2021-NĐ-CP, 22/9/2021, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. https://cuora.org/cuora-picturata.
3. https://iucnredlist.org/species/163463/123815952.
4. https://loainguycap.ceid.gov.vn/species/30.
5. https://nbca.gov.vn/doi-tuong-bao-ton/loai-nguy-cap-quy-hiem.
6. https://vietnam.wcs.org.