TextBody

Ghi nhận loài trùng chân giả có vỏ đặc hữu châu á netzelia tuberspinifera tại Việt Nam

29/08/2021

Loài trùng chân giả có vỏ Netzelia tuberspinifera (Hu, Shen and Gong, 1997) Gomaa et al., 2017 được phát hiện và mô tả lần đầu tiên với tên gọi Difflugia tuberspinifera vào năm 1997 tại sông Wujiang (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc). Sau đó, Yang và cộng sự (2004) đã mô tả lại tương đối chi tiết các đặc điểm hình thái của loài này dựa trên hai quần thể tại các hồ Xinzhou và Mulan (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Các mô tả nêu trên đều chỉ ra rằng, các cá thể loài này có 4-8 gai nhọn trên vỏ. Tuy nhiên, tại hồ chứa Xiamen (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), nhóm nghiên cứu của Yu (2014) đã phát hiện thêm một kiểu hình thái của D. tuberspinifera, trong đó các cá thể không có gai trên vỏ. Kết quả phân tích thống kê của nghiên cứu trên cho thấy không có sự khác biệt về các chỉ tiêu hình thái (chiều dài, chiều rộng, đường kính miệng, chiều cao cổ và số răng trên vành miệng) giữa hai nhóm cá thể có gai và không gai. Cho tới năm 2015, loài trùng chân giả có vỏ này mới chỉ được ghi nhận tại Trung Quốc và được xem là loài đặc hữu của Châu Á.

Trong quá trình thực hiện đề tài “Bước đầu nghiên cứu đa dạng thành phần loài và sự phân bố của nhóm Trùng chân giả có vỏ (Testate amoebae) ở một số tỉnh phía Nam Việt Nam” (năm 2015-2016), nhóm nghiên cứu của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga đã phát hiện thấy loài Netzelia tuberspinifera trong các hồ Tà Mon (Bình Thuận) và Bửu Long (Đồng Nai) (Tran and Mazei, 2018).

Sau đó, khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần loài và sự phân bố nhóm trùng chân giả có vỏ trong các thủy vực ở các VQG Ba Vì, Tam Đảo, Ba Bể, Cúc Phương và khu vực lân cận” (năm 2017-2019), nhóm nghiên cứu tiếp tục ghi nhận loài Netzelia tuberspinifera tại các hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), hồ Yên Quang, hồ Mạc (Ninh Bình), hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và hồ Thanh Lanh (Vĩnh Phúc) (Tran et al., 2021). Trong đó, quan sát thấy cả hai dạng kiểu hình có gai và không có gai trên vỏ.

Viện sinh thái nhiệt đới

Hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội)

Về hình thái, N. tuberspinifera có vỏ hình cầu, bề mặt hình thành các u lồi hình tròn tương đối đồng đều nằm sát nhau. Vỏ được tạo thành từ cát dạng hạt nhỏ hoặc tấm. Miệng cân xứng, có các răng tương đối đều nhau, số lượng thường từ 8-10. Nhìn từ phía bên, vành miệng có dạng cổ ngắn. Trên vỏ không có gai hoặc có gai, số lượng gai có thể từ 1-5 (đối với các quần thể tại Việt Nam), gai nằm ở phần giữa của vỏ. Độ dài gai trên mỗi vỏ có thể đồng đều hoặc rất khác nhau. Các chỉ tiêu hình thái của các quần thể loài tại hồ Suối Hai và Yên Quang như sau: chiều dài vỏ 77-123 µm, chiều rộng vỏ 73-124 µm, đường kính miệng 32-64 µm, chiều cao cổ 6-20 µm, chiều dài gai 10-54 µm, số gai 0-5. Đường kính miệng bằng khoảng ½ chiều dài và chiều rộng vỏ.

Hình ảnh loài Netzelia tuberspinifera quan sát dưới kính hiển vi quang học. a-d: nhìn từ phía bên; e: nhìn từ miệng; f-i: số lượng gai khác nhau trên vỏ; j: nguyên sinh chất; k: phân bào. Thang đo: 20 µm (Nguồn: Tran et al., 2021).

Từ số liệu đo các chỉ tiêu hình thái của loài, bước đầu có thể thấy rằng chiều dài và chiều rộng vỏ của các quần thể loài N. tuberspinifera tại Việt Nam nhỏ hơn so với các quần thể tại Trung Quốc, số lượng gai trên vỏ cũng ít hơn, chỉ ghi nhận tối đa tới 5 gai, trong khi các cá thể N. tuberspinifera tại Trung Quốc có thể có tới 8 gai trên vỏ. Một số tác giả Trung Quốc đã chỉ ra rằng N. tuberspinifera là loài săn mồi với thức ăn chủ yếu là một số loài luân trùng và copepod. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát hiện thấy trong nguyên sinh chất của các tế bào N. tuberspinifera có các tế bào tảo cộng sinh, có thể đóng vai trò là nguồn cung cấp dinh dưỡng khác cho N. tuberspinifera. Thành phần loài tảo cộng sinh và vai trò của chúng đối với N. tuberspinifera cần được làm rõ hơn trong các nghiên cứu tiếp theo.

        

Hình ảnh các tế bào tảo cộng sinh trong nguyên sinh chất của loài Netzelia tuberspinifera (hướng mũi tên chỉ). Thang đo: 20 µm.

Một điểm đáng chú ý là tại thời điểm thu mẫu tháng 9 năm 2017, N. tuberspinifera được ghi nhận tại hồ Suối Hai với mật độ cao, tuy nhiên, trong suốt quá trình quan trắc hàng tháng (từ tháng 6/2020 đến tháng 4/2021) tại 7 điểm khác nhau trên hồ Suối Hai đều không quan sát thấy loài này nữa. Câu hỏi tiếp theo cần được trả lời là loài này có thực sự “biến mất” khỏi hồ Suối Hai hay không và nếu đúng như vậy thì lý do ở đây là gì?.

Nguồn tài liệu:

Tran H.Q., Mazei Y.A. (2018). Testate amoebae from South Vietnam waterbodies with the description of new species Difflugia vietnamica sp. nov. Acta Protozoologica. 57: 215-230.

Tran H.Q., Tran V.T. H., Tikhonenkov D.V. (2021). Freshwater testate amoebae from waterbodies of North Vietnam with the finding of indicator species. Limnology. 22:151–160.

Bài và ảnh: TS.Trần Quốc Hoàn/Viện STNĐ