<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Ghi nhận mẫu rết kích thước lớn của loài Scolopendra cataracta ở Việt Nam

06/02/2023

Loài rết Scolopendra cataracta thuộc giống Scolopendra, họ Scolopendridae, bộ rết lớn Scolopendromorpha. Scolopendra là giống gồm những loài có kích thước cơ thể lớn nhất trong tất cả các đại diện của bộ Rết.

Mẫu vật được ghi nhận bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại VQG Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông trong đợt khảo sát vào tháng 5 năm 2022. Chiều dài cơ thể là 24 cm (tính cả râu và chân cuối là 32 cm). Chiều  rộng của các đốt thân trung bình 1,6 cm, lớn nhất đạt 1,8 cm. Toàn thân có màu nâu đậm hoặc đen, với cặp râu màu vàng nhạt, các đôi chân màu cam đỏ (ảnh). Cho đến nay, đây có thể là mẫu vật rết lớn nhất được ghi nhận ở Việt Nam.

Hình ảnh loài rết Scolopendra cataracta tại thực địa.

Scolopendra cataracta là một trong những loài rết mới được phát hiện và mô tả vào năm 2016 bởi Siriwut, nhà khoa học người Thái Lan. Các mô tả dựa trên bốn mẫu vật, trong đó có một mẫu vật của Việt Nam được thu thập vào năm 1928, mẫu này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Vương quốc Anh. Tất cả mẫu vật mô tả trước đây đều chỉ ra chiều dài cơ thể của loài dưới 20 cm. Đến nay, loài này chỉ ghi nhận ở Việt Nam, Thái Lan và Lào.

Một trong những đặc điểm độc đáo của loài Scolopendra cataracta là lớp vỏ ngoài của nó gần như không thấm nước. Chính nhờ đặc điểm này mà chúng vừa thích nghi với đời sống trên cạn, vừa sống dưới nước (lưỡng cư). Sự thích nghi này phản ánh qua đặc điểm là chúng có thể di chuyển nhanh chóng trong nước cũng như trên cạn. Điều này cho phép chúng có khả năng săn mồi và tránh được những kẻ săn mồi trên mặt đất cũng như trong môi trường nước. 

Hiện nay, các loài rết lớn thuộc giống Scolopendra nói chung và loài S. cataracta nói riêng ở Việt Nam bị săn bắt khá phổ biến để phục vụ cho các nhu cầu làm thuốc, sinh vật cảnh hoặc làm thức ăn cho các loài động vật nuôi. Điều này có thể đã và đang dẫn đến sự suy giảm đáng kể số lượng của các loài này. Việc ghi nhận lại các mẫu vật loài S. cataracta là tín hiệu tốt làm tăng thêm các nỗ lực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, đa dạng sinh học nhóm động vật không xương sống nói riêng ở Việt Nam.

Đặc điểm chiều dài thân, râu và đầu, chiều rộng thân của mẫu Scolopendra cataracta được chụp trong phòng thí nghiệm.

Tác giả: Lê Xuân Sơn (Viện Sinh thái nhiệt đới)