Ghi nhận mới về khu hệ thú nhỏ rừng phòng hộ Sông Hinh, tỉnh Phú Yên

05/07/2024

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và UBND tỉnh Phú Yên, Viện Sinh thái nhiệt đới được giao chủ trì thực hiện nội dung nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Đèo Cả - Hòn Vọng Phu. Để tiếp tục các nghiên cứu về khu hệ thú, trong thời gian từ 13 đến 21 tháng 6 năm 2024 một chuyến khảo sát đã được thực hiện tại rừng phòng hộ Sông Hinh thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Sinh cảnh rừng phòng hộ Sông Hinh ở độ cao 700m. (Ảnh: Nguyễn Đăng Hội.)

Trong chuyến điều tra nghiên cứu, đã sử dụng phương pháp khảo sát theo tuyến vào ban ngày và đêm. Tuyến khảo sát dọc theo suối lớn, phát triển từ điểm đóng lán (N 12o47’17,848”; E1109o2’13,89”) theo các đai cao từ 237 m đến 900 m so với mặt nước biển. Bên cạnh đó, 03 bẫy ảnh được đặt để ghi nhận và giám sát xuyên suốt quá trình khảo sát.  

Cùng với dẫn liệu đã được ghi nhận trước đây tại khu vực, kết quả khảo sát đã bổ sung nhiều dẫn liệu mới, loài mới có giá trị cho khu hệ. Trong thời gian khảo sát, đã ghi nhận được 13 loài thuộc 4 bộ. So với dẫn liệu trước đây, đã bổ sung 6 loài, bao gồm: Khỉ vàng (Macaca mulatta), Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), Cầy móc cua (Urva urva), Sóc bay trâu (Petaurista philippensis), Dúi mốc lớn (Rhizomys pruinosus) và Chuột hươu lớn (Leopodamys edwardi). Trong số những loài đã ghi nhận, có 2 loài có giá trị bảo tồn cao, đó là:

Sóc bay trâu (Petaurista philippensis). Loài lớn nhất trong các loài sóc bay. Chiều dài cơ thể (HB): 400 - 490mm; chiều dài đuôi (T): 400 - 450 mm; Chiều dài chân (HF): 65 - 90 mm (Charles M. Francis, 2019). Đặc điểm hình thái của loài này có nhiều biến động theo vùng địa lý sinh sống. Tại Việt Nam, chúng có bộ lông dầy, mềm, phân bố từ bắc vào nam trong sinh cảnh rừng khộp, rừng núi thấp có nhiều cây thân cao. Tại rừng phòng hộ Sông Hinh, Sóc bay trâu đã được ghi nhận ở gần suối Thị Nghè (Ea Nhuệ) ở độ cao 359 m so với mặt nước biển. Quan sát chúng đang kiếm ăn trên cây cao khoảng 50 m, nơi có mật độ cây khá dày với những cây thân cao, kích thước lớn. Theo thông tin từ người dân địa phương, Sóc bay trâu tại khu vực này trước đây khá phong phú, song những năm gần đây bắt đầu hiếm gặp và có nguy cơ suy giảm về số lượng.

Sóc bay trâu ghi nhận được tại rừng phòng hộ Sông Hinh. (Ảnh: Đinh Thế Dũng).

Xét trên phương diện toàn cầu theo danh mục sách đỏ của IUCN năm 2023, Sóc bay trâu có tình trạng bảo tồn cấp độ LC. Tuy nhiên, tại Việt Nam loài này thuộc mức bảo tồn VU trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 do số lượng hạn chế, chủ yếu đã bị suy giảm do tác động nhân sinh.  

Rái cá vuốt nhỏ châu Á (Aonyx cinerea). Rái cá vuốt nhỏ châu Á có thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác. Chiều dài cơ thể (HB): 360 - 550 mm, chiều dài đuôi (T): 225 - 350 mm, chiều dài chân (HF): 85 - 110 mm (Charles M. Francis, 2019). Màng bơi không phủ hết ngón chân và có phủ lông. Tai có nắp che lỗ tai. Bộ lông mầu nâu nhạt hoặc xám nâu, phần bụng mầu sáng hơn. Đặc điểm nổi bật là vuốt chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón.

Hình ảnh Rái cá vuốt bé được ghi nhận tại rừng phòng hộ Sông Hinh (trên một nhánh của suối Thị Nghè (Ea Nhuệ), nơi mực nước có độ sâu 0,5 - 1 m). (Ảnh: Đinh Thế Dũng).

Thức ăn của Rái cá vuốt nhỏ châu Á chủ yếu là các loài cua, ốc, côn trùng, sau mới đến ăn cá. Trong tuyến khảo sát đã ghi nhận nhiều dấu vết phân của Rái cá vuốt nhỏ châu Á với những mảnh vỏ cua không tiêu hóa hết. Rái cá vuốt nhỏ châu Á có khả năng thích nghi khí hậu và dinh dưỡng cao ở vùng nhiệt đới thuộc Nam và Đông Nam Á, xuất hiện từ vùng đất ngập nước ven biển đến sông suối vùng núi. Trong thời gian khảo sát, bằng bẫy ảnh đã ghi nhận được hoạt động của 4 cá thể ở suối với độ sâu dưới 1 m. Rái cá vuốt nhỏ châu Á có phạm vi phân bố rộng. Tuy vậy, đây là ghi nhận và mô tả lần đầu về phân bố và hoạt động của Rái cá vuốt nhỏ châu Á cho khu hệ thú tỉnh Phú Yên.

Hiện nay số lượng cá thể Rái cá vuốt nhỏ châu Á tính trên toàn cầu còn rất ít và có chiều hướng giảm. Tình trạng bảo tồn của loài này ở cấp độ VU theo IUCN 3.1 và Sách Đỏ Việt Nam 2007. Các mối đe dọa tiềm tàng đối với Rái cá vuốt nhỏ châu Á là phá hủy môi trường sống và nạn săn bắn trái phép. Ngoài ra, một mối đe dọa khác đối với Rái cá vuốt nhỏ châu Á là sự suy giảm nguồn thức ăn (con mồi) do khai thác quá mức làm cho môi trường sống tự nhiên của chúng không bền vững.  

Kết quả một đợt khảo sát ngắn là chưa phản ảnh hết sự đa dạng khu hệ thú nhỏ của địa phương. Song những dẫn liệu thu được đã khẳng định sự phong phú và đa dạng của các loài thú ở khu vực nghiên cứu. Không còn nghi ngờ gì nữa, rừng phòng hộ Sông Hinh có những giá trị nổi bật về khu hệ thú với những loài có giá trị bảo tồn cao. Cần lưu ý rằng, việc kiểm kê khu hệ thú nhỏ ở Sông Hinh của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh. Những chuyến khảo sát tiếp theo chắc chắn sẽ thu được những dẫn liệu mới bổ sung cho khu hệ, là cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp quản lý, bảo tồn các loài thú nói riêng, đa dạng sinh học nói chung của rừng phòng hộ Sông Hinh nói riêng, khu vực Đèo Cả - Hòn Vọng thuộc tỉnh Phú Yên một cách hiệu quả, lâu dài.

Tin bài: TS. Đinh Thế Dũng/Viện Sinh Thái Nhiệt đới