Giải pháp chuyển đổi số cho các thư viện trong Quân đội nhân dân Việt Nam
09/05/2024Ngày 11/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đối số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Đón đầu chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã đầu tư và triển khai nhiều dự án về số hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, mạng hóa cho các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều dự án liên quan đến ngành Thư viện mà trực tiếp là đầu tư hiện đại hóa cho Thư viện Quân đội – cơ quan nghiệp vụ đầu ngành của hệ thống thư viện trong quân đội (với phòng máy chủ, hệ thống lưu trữ đạt chuẩn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị số hóa, tài liệu số hóa, phần mềm quản lý tài liệu số, hệ thống mạng, trang web,...) làm nền tảng, cơ sở, hạt nhân để tiến tới hình thành, phát triển mạng lưới thư viện toàn quân theo hướng mạng hóa, số hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nhân viên Thư viện Quân đội giới thiệu với lãnh đạo Tổng cục Chính trị về nguồn tài nguyên thông tin số trên mạng quân sự và mạng internet.
Mục tiêu chung của hệ thống thư viện trong quân đội, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung hoàn thiện và phát triển hạ tầng số; xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung cho các thư viện, phòng đọc trong toàn quân; số hóa tài liệu chuyên ngành quân sự, quốc phòng và các lĩnh vực liên quan, trong đó chú trọng số hóa tài liệu nội sinh của Bộ Quốc phòng; liên thông các thư viện trong toàn hệ thống; tích hợp, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin theo đúng chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ thông tin, tài liệu trực tuyến cho bộ đội mọi lúc, mọi nơi.
Luật Thư viện, Điều 13 khẳng định: Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung của một thư viện còn phải xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh; thực hiện liên thông giữa các thư viện trong cùng hệ thống, chia sẻ tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài đảm bảo các yếu tố đặc thù của lực lượng vũ trang.
Theo Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành thu thập và quản lý được số hóa; 100% các thư viện có vai trò quan trọng hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ.
Để thực hiện các nội dung được quy định trong Luật Thư viện, đặc biệt là các vấn đề về liên thông thư viện, phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện ở Điều 29: Liên thông thư viện, Điều 31: Phát triển thư viện số, Điều 32: Hiện đại hóa thư viện; các nội dung, chỉ tiêu đặt ra đối với các thư viện chuyên ngành trong Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số theo Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thư viện Quân đội, với vai trò thư viện đầu ngành của hệ thống thư viện, phòng đọc trong quân đội đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều hoạt động thư viện trong quân đội nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, phục vụ kịp thời, có hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị và nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn mới.
Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa nói chung và các thư viện, phòng đọc trong quân đội nói riêng, cụ thể là:
Ngày 10-11-2020 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư số 138/2020-BQP, quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó, quy định: Đối với đơn vị được trang bị đủ máy vi tính có nối mạng Internet và Mạng truyền dữ liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc, ngoài bảo đảm sách giấy theo quy định còn bảo đảm 5.000 trang sách điện tử/người/năm.
Ngày 24-11-2020, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 3672/QĐ-BQP về Quy hoạch hệ thống Thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định giai đoạn 2021-2025 từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện, ứng dụng thí điểm đọc sách, báo điện tử cho một số thư viện cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn đủ quân, đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn tài liệu,...định hướng đến năm 2030 thực hiện hiện đại hóa hoạt động thông tin – thư viện, ứng dụng phổ biến thư viện điện tử cho hệ thống thư viện các cấp. Và kiện toàn tổ chức hệ thống thư viện, phòng đọc toàn quân chính quy, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hoạt động hiệu quả.
Ngày 18-8-2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 3087/QĐ-BQP phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó, có nhiều chương trình, dự án, nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành thư viện trong quân đội như: xây dựng cơ sở dữ liệu dữ kiện về quân sự phục vụ tra cứu trong quân đội, xây dựng Dự án chuyển đổi số ngành thư viện trong quân đội,...
Quán triệt các chủ trương, nội dung, biện pháp của Đảng, nhà nước, quân đội về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành thư viện, Thư viện Quân đội cùng với các cơ quan chức năng cần phối hợp, tham mưu, đề xuất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm mang lại hiệu quả trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hệ thống thư viện, phòng đọc quân đội, từ đó, có lộ trình, kế hoạch, chương trình, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả, chất lượng.
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, công phu, đòi hỏi quan tâm, đầu tư của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng cũng như sự nỗ lực lớn của cán bộ, nhân viên thư viện trong toàn quân, trong đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác chuyển đổi số. Cần đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc chuyển đổi số ngành thư viện trong quân đội, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị.
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành, phổ biến, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, quy chế, quy định đáp ứng yêu cầu trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, tự động hóa,...các hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong quân đội.
Thư viện Quân đội và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, thường xuyên rà soát, tham mưu đề xuất, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn, quy hoạch, kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong Quân đội, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, chỉ đạo hoạt động, đáp ứng kịp thời, nhiệm vụ trong kỷ nguyên số.
Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số.
Tập trung quy hoạch, mở rộng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, các điểm truy cập, kết nối đến người dùng trong toàn quân,…Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng, phát triển Mạng truyền số liệu quân sự, kết nối Mạng truyền số liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc đơn vị các cấp, hình thành một mạng lưới thư viện hiện đại diện rộng của Bộ Quốc phòng với tiêu chí chuẩn hóa, mạng hóa, hiện đại hóa, thông minh hóa, số hóa, liên thông trong toàn hệ thống; Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc trong quân đội thành một hệ thống có khả năng liên thông, liên kết, tích hợp, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung tài nguyên thông tin của các thư viện trong hệ thống, trọng tâm, tập trung rà soát, đầu tư, phát triển Mạng truyền số liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc trực thuộc nhà văn hóa của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; Xây dựng Thư viện Quân đội trở thành một trong những thư viện số hiện đại của Việt Nam, có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật chất, phần mềm quản trị thư viện tích hợp hiện đại, đồng bộ, có năng lực quản trị dữ liệu tập trung, phân tích, xử lý dữ liệu lớn cho toàn hệ thống; Nâng cấp mạng lưới các thư viện trực thuộc các cơ quan thông tin, khoa học quân sự thành một mạng lưới làm nòng cốt, hạt nhân cho toàn bộ hệ thống; Trang bị hệ thống phần mềm quản lý thư viện tập trung, hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị đọc,... online và offline, có dây và không dây bảo đảm công tác quản lý, lưu trữ, truy xuất dữ liệu lớn, liên thông, liên kết, tích hợp, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin số trong toàn hệ thống;
Phát triển tài nguyên thông tin số, đặc biệt là tài nguyên thông tin số nội sinh. Trước mắt, sử dụng có hiệu quả tài nguyên của các cơ quan, đơn vị đã tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác tài liệu số hóa, lấy tài nguyên của Thư viện Quân đội/Tổng cục Chính trị, mạng MISTEN/Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự/Bộ Quốc phòng, Hệ thống thư viện số dùng chung/Bộ Quốc phòng làm hạt nhân. Bên cạnh đó, xây dựng, thúc đẩy, triển khai các dự án số hóa tài liệu nội sinh của Bộ Quốc phòng như: giáo trình, bài giảng, học liệu của các nhà trường trong quân đội; kỷ yếu hội thảo khoa học, các xuất bản phẩm được xuất bản trong quân đội,...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết, tích hợp, phân tích, xử lý, bao gói, khai thác, chia sẻ, phân phối dữ liệu trên hệ thống thư viện số dùng chung của BQP, tạo tiền đề cho việc tích hợp, phân tích dữ liệu lớn (big data) trong thời gian tới.
Việc liên kết, tích hợp tài nguyên thông tin trên hệ thống thư viện số sẽ tạo nên kho dữ liệu khổng lồ của Bộ Quốc phòng, là tiền đề cho việc phân tích, xử lý cũng như, khai thác, chia sẻ, phân phối, quản lý tài nguyên số tập trung, thống nhất trong Bộ Quốc phòng.
Việc tận dụng, khai thác có mục đích và hiệu quả nguồn tài nguyên của Bộ Quốc phòng, trước mắt, trên cơ sở sử dụng tài nguyên của hệ thống thư viện số dùng chung của Bộ Quốc phòng làm hạt nhân, tiến tới xây dựng big data, đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp, để đáp ứng nhu cầu tin theo từng đối tượng, từng nhiệm vụ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Tích cực nghiên cứu, ứng dụng các xu hướng mới như tích hợp dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, khai thác dữ liệu từ các ghi dữ liệu, thói quen tìm kiếm, nhu cầu thông tin,...để cải tiến dịch vụ, phát triển các dịch vụ mới, tiếp cận người dùng tin, nắm bắt nhu cầu thông tin, kết nối cộng đồng, tạo lập các giao dịch mang tính cá nhân, cung cấp tài nguyên theo nhu cầu của từng người dùng, thực hiện các nhiệm vụ như một thủ thư truyền thống.
Triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ hiện đại thống nhất trong toàn hệ thống.
Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc trao đổi, liên thông và sử dụng chung tài nguyên thông tin trong Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, cần nghiên cứu và dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của hoạt động thông tin - thư viện trong kỷ nguyên số, từ loại hình tài liệu, phương thức phục vụ, vấn đề bản quyền, tính bảo mật cho đến tính riêng tư của người dùng, của dữ liệu, các chuẩn nghiệp vụ quốc tế mới...
Hình thành và phát triển văn hóa đọc trên môi trường số cho cán bộ, chiến sỹ trong quân đội.
Đọc tài liệu trên môi trường số là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, để khai thác và đọc tài liệu số hiệu quả, đòi hỏi người dùng phải được trang bị kiến thức số, kỹ năng sử dụng phần cứng, phần mềm để tiếp cận tài liệu số dưới nhiều dạng thức khác nhau, cùng với đó, trang bị cho người dùng kiến thức tìm kiếm, xử lý thông tin trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử, đạo đức, hành vi đối với tài liệu trên môi trường số.
Quan tâm đào tạo, kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư đào tạo, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, có chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống, khuyến khích, động viên, thu hút kỹ sư công nghệ thông tin và các chuyên gia hàng đầu tham gia nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin - thư viện, quản lý và triển khai các dự án hiện đại hóa, tin học hóa, tự động hóa,...
Trong bối cảnh xã hội số, chính phủ số, thông tin số,... biên chế công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả lĩnh vực, trong đó, hệ thống thông tin số luôn đòi hỏi 3 thành tố cơ bản cấu thành: phần cứng, phần mềm, nội dung. Vì vậy, để vận hành, triển khai, ứng dụng hệ thống, đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin được đào tạo cơ bản, bảo đảm số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới./.
Nguồn: thuvienquandoi.vn
Bài viết liên quan