TextBody

Giới thiệu Bộ tem “Biển, đảo Việt Nam (bộ 3): Chim biển, đảo”

12/06/2022

Ngày 24/6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành Bộ tem “Biển, đảo Việt Nam (bộ 3): Chim biển, đảo”. Bộ tem được phát hành theo nghi thức đặc biệt vào trong khuôn khổ Triển lãm tem bưu chính Quốc gia VIETSTAMPEX 2020 tại Hà Nội.
Đây là bộ tem thứ 3 về đề tài “Biển, đảo Việt Nam” nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tuyên truyền công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các bộ tem trước được phát hành vào các năm 2018 và 2020.

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, bên bờ biển Đông của bán đảo Đông Dương, Việt Nam sở hữu trên 3.260 km bờ biển, có hơn 1 triệu km2 thềm lục địa, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn xác định biển, đảo có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ tem “Biển, đảo Việt Nam (bộ 3): Chim biển, đảo” gồm 04 mẫu và 01 blốc với giá mặt 4000đ, 4000đ, 4000đ, 12000đ và 15000đ, khuôn khổ tem 43 x 32 (mm), khuôn khổ blốc 110 x 70 (mm) do họa sỹ Nguyễn Du và Phạm Quang Diệu (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 24/6/2022 đến ngày 31/12/2023, giới thiệu các các loài chim sinh sống trên các vùng biển, đảo Việt Nam.

Mẫu 4-1: Nhàn mào Thalasseus bergii (Lichtenstein, 1823)

Là một loài chim biển trong họ Mòng biển, làm tổ thành từng tập đoàn dày đặc ở các bờ biển và đảo tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phần trên cơ thể (phần lưng) của nhàn mào có màu xám, phần dưới (phần bụng) có màu trắng, mỏ vàng và cái mào bờm xờm màu đen (cụp ra phía sau vào mùa đông). Nhàn mào bắt cá bằng cách lao xuống nước (thường là ở biển). Chúng cũng tận dụng những địa điểm dị thường để làm tổ, ví dụ trên mái các toà nhà và trên các đảo nhân tạo trong các ruộng muối hay trong hồ xử lý nước thải. Trứng và chim non bị Mòng biển và cò ăn, đồng thời hoạt động đánh cá, săn bắn và khai thác trứng chim của loài người đã gây suy giảm số lượng cá thể loài này.

Mẫu 4-2: Gà đồng Gallicrex cinerea (Gmelin, 1789)

Gà đồng (Gallicrex cinerea) là một loài chim thuộc Họ Gà nước, là loài duy nhất trong chi Gallicrex. Môi trường sống sinh sản của chúng là các đầm lầy, bãi bùn, đồng cỏ ngập nước, rừng ngập mặn khắp châu Á. Chúng làm tổ ở một vị trí khô trên mặt đất trong thảm thực vật đầm lầy. Phía trên có màu nâu sẫm phía dưới nhạt màu hơn, bộ lông sọc vằn với những mảng tối hơn, mỏ màu vàng và chân có màu xanh. Chim non lông tơ màu đen. Chúng dò trong bùn hoặc vùng nước nông bằng mỏ, và chọn thức ăn khi nhìn thấy, chủ yếu ăn côn trùng, cá nhỏ và hạt.

Mẫu 4-3: Rẽ khoang Arenaria interpres (Linnaeus, 1758)

Rẽ khoang là một loài chim biển, sống ở vùng đầm lầy, cát ven biển, vùng bờ biển và các vùng đất ngập nước biển. Thân dài khoảng 22cm, cánh có nhiều màu sắc xen kẽ nổi bật, giò ngắn màu da cam, chắc mập. Trong mùa sinh sản phía lưng có màu phớt nâu, bộ lông ngoài mùa sinh sản và chim non có nhiều vằn và lốm đốm hơn, mỏ màu đen, chân vàng cam. Chúng kiếm ăn bằng cách lật các viên sỏi để tìm thức ăn.

Mẫu 4-4: Choắt lùn đuôi xám Tringa brevipes (Vieillot, 1816)

Chúng sống ở vùng đầm lầy, cát ven biển, vùng bờ biển có các dải đá. Chiều dài khoảng 25cm, với các đặc điểm: Phần trên cơ thể chỉ có màu xám, chân vàng. Trong mùa sinh sản, cổ, ngực và hai bên hông có vằn mảnh, khi bay để lộ toàn bộ thân trên màu xám. Thường sống theo đàn nhỏ.

Mẫu blốc: Chim điên chân đỏ Sula sula (Linnaeus, 1766)

Chim điên chân đỏ là một loài chim ó biển thuộc họ chi Chim điên trong họ Chim điên (Sulidae), là một nhóm chim biển khá lớn có chân của màu đỏ, nhưng bộ lông có màu đa dạng. Chúng là loài chim mạnh mẽ khi bay nhưng lại chậm chạp khi cất hay hạ cánh. Chim điên chân đỏ là loài nhỏ nhất trong các loài chim điên, kích thước dài khoảng 70cm, sải cánh dài đến 1m. Chim điên chân đỏ là thợ lặn ngoạn mục, lao xuống biển với tốc độ cao để bắt mồi. Chúng chủ yếu ăn cá nhỏ hoặc mực tập hợp thành nhóm gần bề mặt.

Tư liệu hình ảnh các loài chim biển, đảo của tác giả Phạm Hồng Phương do Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cung cấp và cho phép sử dụng.

Trước đó, bộ tem đầu tiên được phát hành năm 2018 với chủ đề “Biển, đảo Việt Nam (bộ 1): Sinh vật biển” gồm 04 mẫu và 01 blốc giới thiệu về các loài: ốc anh vũ, ốc đụn cái, ốc sứ sọc trắng, trai tai tượng lớn, ốc tù và.

Bộ tem thứ hai được phát hành năm 2020 với chủ đề “Biển, đảo Việt Nam (bộ 2): Tàu cảnh sát biển Việt Nam”, giới thiệu các lớp tàu được trang bị phù hợp với từng chức năng riêng biệt phục vụ thực thi nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, tuần tra ngoài khơi, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam.

Theo:vnpost.vn