TextBody

Hai Tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về giống chó bản địa Việt Nam

15/01/2025

Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu, khảo sát về khu hệ, đặc điểm hình thái và sinh học, ứng dụng công nghệ gen trong chọn tạo chó bản địa Việt Nam đối với 02 giống chó H’mông cộc đuôi và chó Sông Mã. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu nhiều năm, Trung tâm được giao nhiệm vụ soạn thảo Tiêu chuẩn quốc gia chó giống nội đầu tiên tại Việt Nam đối với hai giống chó nêu trên, các tiêu chuẩn được công bố ngày 31 tháng 12 năm 2024, đánh dấu bước phát triển mới cho chó bản địa nước ta.

TTNĐ Việt - Nga tự hào là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về khuyển học, với những công trình nghiên cứu thực địa, khảo sát, thu mẫu về các giống chó bản địa Việt Nam từ những năm 2006 đến nay, trên địa bàn nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung của Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc TTNĐ Việt-Nga, ở Việt Nam có tới 13 giống và dạng chó bản địa (Bùi Xuân Phương và cs, 2010). Theo công bố của Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam (viết tắt là VKA), tính đến thời điểm trước 31/12/2024, mới chỉ có 3 giống chó bản địa ở Việt Nam được VKA công nhận tiêu chuẩn giống là giống chó Phú Quốc, giống chó H’mông cộc đuôi và chó Bắc Hà. Tính từ năm 2009 (lần đầu khi VKA công bố tiêu chuẩn 3 giống chó nêu trên) đến nay, chưa có thêm tổ chức, cá nhân nào đăng ký chứng nhận giống chó mới. Điều đó cho thấy vấn đề công nhận tiêu chuẩn giống chó tại Việt Nam vẫn còn chưa được chú trọng. Trong danh mục giống vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan quản lý nhà nước về giống vật nuôi), đến trước 31/12/2024 vẫn chưa có Tiêu chuẩn quốc gia đối với giống chó bản địa Việt Nam. Vì vậy, việc TTNĐ Việt - Nga đề xuất xây dựng Tiêu chuẩn giống quốc gia đối với chó bản địa là rất cần thiết để phục vụ công tác quản lý, phát triển giống, đồng thời là căn cứ cho những tổ chức, cá nhân nhân nuôi, phát triển, bảo tồn.

Tại Quyết định số 4867/QĐ-BNN-KHCN ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh mục và kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và các văn bản có liên quan khác, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga được giao là đơn vị chủ trì soạn thảo, chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về 02 giống chó bản địa là chó H’mông cộc đuôi và chó Sông Mã. Các Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên kết quả công trình nghiên cứu khoa học các cấp do TTNĐ Việt - Nga là tổ chức chủ trì, từ nhiệm vụ cấp cơ sở đến các đề tài cấp Quốc gia, trọng tâm là 02 đề tài đã được nghiệm thu: Đề tài cấp Nhà nước hợp tác quốc tế theo nghị định thư với Liên bang Nga:“Ứng dụng công nghệ gen trong công tác chọn giống chó bản địa H’mông cộc đuôi”, được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và công nhận kết quả năm 2016, mã số đăng ký kết quả đề tài: 2016-66-1113/KQNC; đề tài cấp Quốc gia: “Nghiên cứu lựa chọn và huấn luyện giống chó bản địa Dạng Sói phục vụ tìm kiếm, phát hiện bom mìn còn lại sau chiến tranh tại Việt Nam”, mã số: ĐTĐLCN.24/16, được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và công nhận năm 2021, mã số đăng ký kết quả đề tài: 2021-66-015M/KQNC.

Ngày 31 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 3513/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho 02 giống chó nội:

1. TCVN 14241-1:2024 Giống chó nội – Phần 1: Chó Hmông cộc đuôi;

2. TCVN 14241-2:2024 Giống chó nội – Phần 2: Chó Sông Mã.

Trong quá trình xây dựng các TCVN, đơn vị soạn thảo đã lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện các câu lạc bộ, tổ chức, người nhân giống chó của các địa phương trên địa bàn cả nước tham gia góp ý, thảo luận để xây dựng và hoàn thiện TCVN này để đảm bảo tính khách quan, nhất quán và phổ quát. Việc mở mới mục “Chó giống nội” trong danh mục Tiêu chuẩn quốc gia sẽ góp phần định hướng và phát triển thêm cho các giống chó bản địa khác đăng ký tiêu chuẩn quốc gia.

Tin bài: Phạm Thanh Hải  (Viện Sinh thái  nhiệt đới)