TextBody

Hoạt động thử nghiệm đánh giá độ bền vật liệu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga: Vươn tới sự hoàn thiện

18/08/2023

Nghiên cứu thử nghiệm vật liệu về độ bền dưới tác động của khí hậu nhiệt đới là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, được xác định trong Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô (Liên bang Nga kế thừa trách nhiệm phía Liên Xô tiếp tục thực hiện Hiệp định). Ngay từ những năm đầu thành lập, lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga luôn quan tâm tới việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm (PTN), trạm thử nghiệm hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học theo hướng độ bền nhiệt đới (vật liệu học nhiệt đới). Trung tâm đã được Nhà nước, Bộ Quốc phòng và phía Nga từng bước đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị PTN, trạm thử nghiệm đồng bộ, hiện đại, hướng tới đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên phụ trách PTN của Trung tâm luôn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài để khai thác làm chủ những thiết bị hiện đại của đơn vị.

Hiện nay, trên hướng nghiên cứu vật liệu học nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga có 03 PTN được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, với tổng số trên 150 phép thử thuộc các lĩnh vực thử nghiệm: Hoá, Cơ và Điện-Điện tử. Cụ thể gồm:
    - PTN Viện Độ bền nhiệt đới tại Cơ sở chính, TP. Hà Nội được công nhận đạt theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, mã số VILAS 938.
    - PTN Chi nhánh Ven biển tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được công nhận đạt theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, mã số VILAS 1258.
- PTN Chi nhánh Phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh được công nhận đạt theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, mã số VILAS  1236.

Năng lực thử nghiệm của các PTN hướng vật liệu học nhiệt đới khá đa dạng về lĩnh vực cũng như về đối tượng các chủng loại vật liệu. Đa dạng về lĩnh vực thử nghiệm bao gồm: lĩnh vực cơ, hoá và điện. Đa dạng về đối tượng vật liệu bao gồm: vật liệu sơn phủ, dầu, mỡ, kim loại, nhựa, cao su, vải, linh kiện điện, điện tử và sản phẩm tổng thành. Đa dạng về phương pháp thử nghiệm: thử nghiệm gia tốc và thử nghiệm tự nhiên. Điều kiện phơi mẫu thử nghiệm tự nhiên cũng được triển khai rất nhiều loại hình sát với điều kiện môi trường thực tế mà vật liệu dự kiến được sử dụng như: thử nghiệm trong khí quyển, thử nghiệm trong nước biển, thử nghiệm trong dưới mái che, thử nghiệm trong nhà kho thoáng gió, thử nghiệm trong sân vi sinh, trên sân cỏ hoặc trên sân bê tông.

Thử nghiệm tự nhiên sơn phủ.

Một trong những thế mạnh nổi bật của các phòng thí nghiệm nêu trên là thử nghiệm tự nhiên, được triển khai tại 03 trạm nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn GOST đặt tại 3 miền đất nước, gồm: 1/Trạm thử nghiệm Hòa Lạc thuộc PTN Viện Độ bền nhiệt đới (tại Thạch Thất, Hà Nội- đặc trưng vùng khí hậu lục địa, nhiệt đới gió mùa của miền Bắc); 2/Trạm thử nghiệm biển Đầm Báy thuộc PTN Chi nhánh Ven biển (tại Đảo Hòn Tre, Nha Trang, Khánh Hòa- đặc trưng vùng khí hậu biển miền Trung); 3/Trạm thử nghiệm Cần Giờ thuộc PTN Chi nhánh Phía Nam (tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh- đại diện cho khí hậu cận xích đạo của miền Nam). Có thể khẳng định, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga là đơn vị duy nhất ở Việt Nam xây dựng được hệ thống trạm thử nghiệm đồng bộ và đảm bảo được điều kiện thử nghiệm đa dạng, đặc trưng cho các khu vực khí hậu nhiệt đới điển hình của nước ta. Tại các trạm thử nghiệm được đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, tự động thu thập các dữ liệu thời tiết, dữ liệu thuỷ văn tại khu vực thử nghiệm. Các dữ liệu này góp phần làm sáng tỏ cơ chế, yếu tố chính gây tác động ăn mòn, lão hoá, phá huỷ vật liệu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Ci400.

Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Xenotest 440.

Các PTN cũng được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại đồng bộ phục vụ cho các phương pháp thử nghiệm gia tốc và đánh giá các chỉ tiêu lý, hoá, điện của các vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết và sản phẩm tổng thành. Hệ thống các thiết bị như: Hệ thống máy thử rung, sóc của Hãng Bruel & Kjae, tủ thử nghiệm nhiệt ẩm Clime-Event C/1000/40/3, thiết bị thử nghiệm ăn mòn CCX3000, Tủ thử nghiệm bức xạ mặt trời Ci4000, Thiết bị thử nghiệm lão hóa UVTest® Fluorescent, buồng thử Ozone OREC TM Ozone, hệ thống thiết bị thử nghiệm IP1 đến IP6 của ED&D, thiết bị thử nghiệm chống bụi ST1000U đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế về thử nghiệm gia tốc môi trường trong đánh giá độ bền vật liệu. Các thiết bị thiết bị đo độ bền kéo, nén vật liệu Z010 TH ProLine, Thiết bị đo độ bền xé rách ProTear Electronic, Thiết bị đo độ bền chà xước bề mặt vật liệu (Taber multi-finger scratch mar tester), Máy mài đánh bóng mẫu kim loại để soi kim tương, Máy cắt mẫu kim loại trục kép, Kính hiển vi soi nổi M80, bộ các thiết bị đo các chỉ tiêu các màng sơn phủ như: máy so màu Ci62, máy đo độ bóng, thiết bị đo độ dày lớp phủ, Thiết bị đo độ bền va đập, thiết bị đo độ bám dính lớp phủ Defelsko PosiTest… phục vụ đặc lực cho việc đánh giá mức độ suy giảm các chỉ tiêu kỹ thuật của các loại vật liệu kim loại, sơn, nhựa, cao su trong quá trình thử nghiệm. Các trang thiết bị phân tích như: thiết bị phân tích nhiệt DSC3+, thiết bị chuẩn độ Karl Fischer, Máy quang phổ tử ngoại khả kiến Lambda 365, Hệ thống thiết bị điện hóa đa năng AUTOLAB 302N… phục vụ tốt cho các hoạt động phân tích các chỉ tiêu hoá lý của vật liệu.

Tủ thử nghiệm ăn mòn nâng cao CCX Advanced Cyclic Corrosion Cabinet.

Tủ thử nghiệm shock nhiệt Votschtechnik VT3 7012 S2.

Các phòng thí nghiệm và trang thiết bị trên đã phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm, tham gia vào nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp tỉnh, thành phố, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt. Đã tiến hành nhiều chương trình thử nghiệm vật liệu trong môi trường nhiệt đới Việt Nam với hàng chục nghìn mẫu, gồm các mẫu vật liệu kim loại và hợp kim, vật liệu composite, vật liệu cacbon, các lớp phủ bề mặt, cao su kỹ thuật, các loại màng polyme, vải, thủy tinh hữu cơ; các loại mỡ, dầu bảo vệ, sơn phủ, phụ gia chống vi sinh vật, các chất ức chế ăn mòn, vật liệu nano, vật liệu ngụy trang, nghi trang, các thiết bị, linh kiện điện tử ... do Liên Xô, Liên bang Nga và Việt Nam chế tạo, trong đó có các mẫu vật liệu mới ứng dụng trong ngành hàng không, vũ trụ, trong quân sự và công nghiệp. Kết quả thử nghiệm tự nhiên đã được sử dụng để đánh giá độ bền vật liệu, mức độ nhiệt đới hóa cũng như xác định tuổi thọ của vật liệu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Một số đối tác thuộc các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có hợp tác với Trung tâm trong lĩnh vực này. 

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm kể từ ngày thành lập, hoạt động thử nghiệm đánh giá độ bền vật liệu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga không ngừng phát triển. Từ những năm đầu chủ yếu phối hợp và hỗ trợ phía Nga trong nghiên cứu thử nghiệm đánh giá độ bền nhiệt đới của vật liệu do Liên Xô/Liên bang Nga sản xuất đang được khai thác sử dụng ở Việt Nam; đến năm 2006-2008 được công nhận là cơ sở đo lường chất lượng hợp chuẩn của Bộ Quốc phòng (TCQS 877); và năm 2016 PTN Viện Độ bền nhiệt đới được công nhận là PTN phù hợp yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005; năng lực đó liên tục được duy trì và phát triển, cả về bề rộng (với các PTN của Chi nhánh Ven biển, Chi nhánh Phía Nam được công nhận năm 2019) và chiều sâu (từ 23 phép thử ở lần công nhận đầu tiên năm 2016 đến hiện nay trên 150 phép thử). Đây thực sự là một bước tiến dài, tạo nền tảng vững chắc để Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga phát triển hoạt động thử nghiệm đánh giá độ bền vật liệu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, xứng đáng là đơn vị hàng đầu về thử nghiệm trong Quân đội, ở Việt Nam và đạt tiêu chuẩn quốc tế, đúng với phương châm được đặt ra “Vươn tới sự hoàn thiện”.

Thông tin chi tiết về hoạt động thử nghiệm của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga xem tại đây (link với https://v-lab.com.vn/)