Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện đề tài KH&CN hỗn hợp Việt - Nga “Phát triển vật liệu thành phần và phương pháp gradient nhiệt để khử mặn nước biển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới”

27/10/2023

Sáng ngày 25 tháng 10 năm 2023, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện đề tài KH&CN hỗn hợp Việt - Nga, mã số T-1.10: “Phát triển vật liệu thành phần và phương pháp gradient nhiệt để khử mặn nước biển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới” do Chi nhánh Phía Nam/TTNĐ Việt - Nga là đơn vị chủ trì, phối hợp với phía Nga thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022; TS. Hoàng Thanh Long và TS. Borisov I.L. là đồng chủ nhiệm đề tài. 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu Cơ sở chính tại Hà Nội và điểm cầu Chi nhánh Phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có TSKH. Kuznetsov A.N., Tổng Giám đốc phía Nga; các đồng chí trong Ban Đồng Giám đốc Chi nhánh Phía Nam; đại diện Phòng Kế hoạch khoa học; các đồng chí chuyên gia; cán bộ nghiên cứu thuộc đoàn công tác của Viện Tổng hợp Hóa dầu mang tên Topchiev A.V. (Viện TIPS RAS)/Viện Hàn lâm khoa học Nga và cán bộ khoa học của Chi nhánh Phía Nam.

 
Quang cảnh hội nghị tại Chi nhánh Phía Nam

Đồng chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo.

Tại Hội nghị, đồng chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu phát triển vật liệu chống ăn mòn, chống phá hủy sinh học trên cơ sở polymer (PTFE, PVDF, Polysufon…) có chứa phụ gia diệt khuẩn polyhexametylen guanidine hydrochloride và cải tiến phương pháp gradient nhiệt để khử mặn nước biển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Báo cáo đã mô tả đầy đủ các nội dung thực hiện và kết quả đạt được của đề tài. Các vật liệu cấu thành thiết bị gradient nhiệt để khử mặn nước biển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới được chia thành 03 nhóm chính, bao gồm: Vật liệu kết cấu thân thiết bị, vật liệu màng lọc và vật liệu kết nối. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của quá trình ăn mòn sinh học biển, khí quyển và bám bẩn sinh học đối với các nhóm vật liệu nêu trên, đồng thời sử dụng các vật liệu biến tính có phụ gia diệt khuẩn polyhexametylen guanidine hydrochloride để nâng cao độ bền nhiệt đới cho các màng lọc, làm giảm quá trình ăn mòn và bám bẩn sinh học. 

Để nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nhiệt đới lên tính chất vật liệu, nhóm đề tài đã tiến hành phơi mẫu thử nghiệm tự nhiên tại các Trạm thử nghiệm tự nhiên của TTNĐ Việt - Nga (Trạm Hòa Lạc - Hà Nội, Trạm Đầm Báy - Nha Trang và Trạm Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh; đồng thời tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm như: Thử nghiệm mù muối, kiểm tra độ bền kéo nén, phân tích sự thay đổi cấu trúc vật liệu bằng phổ FT-IR, SEM.

 Phơi thử nghiệm tự nhiên mẫu vật liệu tại Trạm Đầm Báy (Nha Trang)
 
Thử nghiệm khả năng chống bám bẩn sinh học của vật liệu  tại Trạm Đầm Báy (Nha Trang).

Từ các kết quả thử nghiệm, nhóm đề tài đã lựa chọn được các vật liệu kết cấu thân thiết bị, vật liệu kết nối bền trong điều kiện khí hậu nhiệt đới; tối ưu hóa thành phần chế tạo vật liệu màng lọc làm cơ sở chế tạo thiết bị gradient nhiệt. Sử dụng phần mềm Simulink MatLAB để mô phỏng quy trình khử muối, kết hợp với kết quả thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được thiết bị gradient nhiệt khử mặn nước biển dạng phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu đã được công bố 03 bài báo trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu ISI, Scopus.

 
Mô phỏng quá trình khử mặn nước biển trên thiết bị gradient nhiệt.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đại tá Phạm Duy Nam đã ghi nhận những kết quả đạt được của nhóm thực hiện đề tài trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Chi nhánh Phía Nam/ TTNĐ Việt - Nga và Viện Tổng hợp Hóa dầu mang tên Topchiev A.V./ Viện Hàn lâm khoa học Nga, đặc biệt là các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín và mô hình thiết bị đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Đây là kết quả nền tảng quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa về cấu trúc của thiết bị gradient nhiệt. Đồng chí Phó Tổng Giám đốc Trung tâm có ý kiến chỉ đạo nhóm thực hiện nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, công bố nhiều hơn nữa các các bài báo quốc tế, bằng sáng chế và hoàn thiện nguyên mẫu thiết bị khử mặn nước biển phục vụ cho các hộ gia đình nhỏ lẻ hoặc nhóm hộ gia đình tại các nơi đang gặp điều kiện khó khăn về nước ngọt như khu vực biển, đảo và vùng bị ngập mặn. 

Tin bài: Hoàng Thanh Long (CNPN)