TextBody

Hội nghị khoa học “Sinh thái nhiệt đới – Một số vấn đề khoa học và thực tiễn”

30/11/2017

Được sự cho phép của Bộ Quốc phòng và Ủy ban Phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, hôm nay ngày 30/11/2017, tại Hà Nội, TTNĐ Việt – Nga tổ chức Hội nghị khoa học “Sinh thái nhiệt đới – Một số vấn đề khoa học và thực tiễn” Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (07/3/1988 – 07/3/2018).

Hội nghị khoa học “Sinh thái nhiệt đới – Một số vấn đề khoa học và thực tiễn”

Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (07/3/1988 – 07/3/2018)

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dư và Tiến sĩ khoa học Kuznetsov A.N, Đồng Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đồng chủ trì Hội nghị.

Tham gia Hội nghị có gần 200 cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học sinh thái, môi trường của các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện; các VQG, Khu Bảo tồn Thiên nhiên; các Sở Tài nguyên Môi trường: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng; các Chương trình Quốc gia: Chương trình Biển, Chương trình Tây Nguyên; cùng các cán bộ KH của  Trung tâm và các đơn vị toàn quân.

Sinh thái nhiệt đới là một trong ba hướng nghiên cứu chính của TTNĐ Việt – Nga. Hướng Sinh thái nhiệt đới bao gồm: Sinh thái cạn, Sinh thái nước và Sinh thái Môi trường quân sự. Đối tượng và khu vực nghiên cứu trải rộng gần khắp lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và các vùng biển, đảo… Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn ngay sau khi Liên Xô tan rã, nhưng hướng nghiên cứu Sinh thái Nhiệt đới luôn được duy trì và phát triển liên tục.

Với hơn 10 báo cáo tham luận tại Hội nghị và các báo cáo đã gửi cho Ban Tổ chức tổng hợp thành Kỷ yếu Hội nghị đã cho thấy: Nhiệm vụ của hướng Sinh thái Nhiệt đới là: 1) Nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức cấu trúc – chức năng của các hệ sinh thái cạn và hệ sinh thái nước; 2) Nghiên cứu sinh thái ứng dụng (bao gồm sinh thái quân sự); xây dựng, đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, ưu tiên ứng dụng cho hoạt động quân sự – quốc phòng, phát triển nông nghiệp và ngư nghiệp; 3) Nghiên cứu hậu quả chiến tranh hóa học và ảnh hưởng của hoạt động nhân sinh lên các hệ sinh thái; đề xuất các giải pháp và công nghệ kiểm soát, phục hồi môi trường bị ô nhiễm và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; 4) Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh thái và hoạt động quân sự – quốc phòng; đề xuất các giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại và các tác động tiêu cực khác; 5) Nghiên cứu sử dụng động vật, thực vật và chế phẩm của chúng phục vụ quốc phòng và kinh tế.

Từ chỗ nghiên cứu có tính chất thử nghiệm trong những ngày đầu thành lập, đến nay hướng Sinh thái Nhiệt đới đã phát triển trên cả 3 lĩnh vực: Sinh thái cạn, Sinh thái nước và Sinh thái Môi trường quân sự. Các kết quả nghiên cứu không những ngày càng tăng về lượng và chất, đi sâu giải quyết những vấn đề lớn của khoa học như quy luật hình thành, phát triển và động lực của các hệ sinh thái nhiệt đới, tài nguyên đa dạng sinh học, mà còn góp phần phục vụ nhu cầu thực tiễn của quân đội và kinh tế – xã hội trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý bền vững hệ sinh thái và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dư kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư đánh giá Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Các tham luận, các báo cáo của Hội nghị đã thể hiện một phần kết quả nghiên cứu hướng Sinh thái nhiệt đới trong những năm gần đây được thực hiện bởi các nhà khoa học Việt Nam và Nga trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và là sự phối hợp chặt chẽ trong NCKH giữa TTNĐ Việt – Nga với một số cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Thay mặt Ban Đồng TGĐ Trung tâm đồng chí cám ơn sự có mặt của các đại biểu, cám ơn sự phối hợp, giúp đỡ trong thời gian qua của các đơn vị, cơ quan trong và ngoài quân đội./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Bài Trung Tiến, Ảnh Vũ Nam