Hội thảo chuyên đề “Công nghệ chế tạo bê tông cốt thép bằng vật liệu nhiễm mặn tại các vùng biển đảo”

03/03/2023

Chiều ngày 01/3/2023, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học với chủ đề “Công nghệ chế tạo bê tông cốt thép bằng vật liệu nhiễm mặn tại các vùng biển đảo”; mục đích nhằm đánh giá về tính khả thi của công nghệ chế tạo bê tông cốt thép dựa trên cốt liệu nước biển, cát san hô và vật liệu geopolyme để thay thế cho cát sông, nước ngọt và xi măng Pooc lăng.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu Chi nhánh Ven biển và Chi nhánh Phía Nam. Đồng chí Đại tá Tiến sĩ Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm; các đồng chí đại diện Thủ trưởng Viện Độ bền nhiệt đới, Phòng Kế hoạch khoa học, Chi nhánh Ven biển, Chi nhánh Phía Nam; các chuyên gia Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện KTQS và các cán bộ khoa học hướng vật liệu học của Trung tâm.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đại tá Tiến sĩ Phạm Duy Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và ý nghĩa to lớn của việc tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực biển đảo, xây dựng kiên cố các công trình quân sự trên bờ biển, hải đảo phục vụ mục đích giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Quang cảnh hội nghị.

Tại Hội thảo, nhóm cán bộ khoa học của Phòng Độ bền nhiệt đới Chi nhánh Ven biển đã trình bày báo cáo tổng quan về công nghệ chế tạo bê tông cốt thép sử dụng cát biển và nước biển, đồng thời đề xuất ứng dụng geopolyme trong chế tạo bê tông cốt thép bằng vật liệu nhiễm mặn tại vùng biển đảo. Theo đó, nhóm tác giả đã nêu bật khái quát các hướng nghiên cứu về bê tông cốt thép sử dụng cát biển và nước biển trong nước và trên thế giới, tính khả thi của việc áp dụng công nghệ này đồng thời đánh giá được ưu nhược điểm cũng như lợi thế của từng nhóm công nghệ trong việc triển khai vào thực tế. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, nhóm nghiên cứu của Phòng Độ bền nhiệt đới Chi nhánh Ven biển đã đề xuất công nghệ chế tạo bê tông cốt thép sử dụng cát biển (chủ yếu cát san hô), nước biển và geopolyme, kèm theo một số phụ phẩm công nghiệp (xỉ lò cao hoạt tính và tro bay) để thay thế cát sông, nước ngọt và xi măng Pooc lăng truyền thống. Từ cơ sở lý thuyết kết hợp với các kết quả nghiên cứu thực nghiệm ban đầu, nhóm tác giả đã đưa ra được quy trình sơ bộ để chế tạo bê tông cốt thép với các cốt liệu nêu trên và đã đạt được một số kết quả với chỉ tiêu kỹ thuật đáng khích lệ, có tính khả thi cao, đáp ứng cơ bản những yêu cầu của bê tông cốt thép truyền thống. Trong quá trình trao đổi, thảo luận, các chuyên gia trong và ngoài Trung tâm đánh giá cao tính khả thi, tính mới, tính khoa học và ý nghĩa quân sự quốc phòng của đề xuất, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu trong việc nhận định, đánh giá tiềm năng, đặt ra những vấn đề cần giải quyết của công nghệ này và định hướng cải thiện, ứng dụng trong thời gian tới.

Cán bộ Phòng Độ bền Nhiệt đới/ CNVB trình bày báo cáo tại hội thảo.                             

Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Đại tá Phạm Duy Nam đã đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của cán bộ Phòng Độ bền nhiệt đới, Chi nhánh Ven biển trong việc tích cực tìm hiểu vấn đề nghiên cứu, mạnh dạn khảo sát bước đầu làm tăng tính thuyết phục và thể hiện sự quyết tâm cao; đồng chí cũng khẳng định công nghệ bê tông cốt thép sử dụng geopolyme với cốt liệu thô nhiễm mặn tại chỗ có tính cấp thiết, tính mới và tính thực tiễn cao; yêu cầu nhóm nghiên cứu cần tiếp tục cải thiện công nghệ để giảm khối lượng cốt liệu thô, tối ưu hóa thành phần, giải quyết bài toán về nguồn và tiêu chuẩn đánh giá nguyên liệu giá thành khi triển khai thực tế; giao nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của hội thảo và xây dựng nhiệm vụ để triển khai trong thời gian tới./.  

Tin bài: Trần Thị Thu Trang (CNVB)