<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Hội thảo Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất giải pháp công nghệ xử lý nước thải, rác thải tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa

10/01/2024

Chiều ngày 09/01, tại Cơ sở chính, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức Hội thảo Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất giải pháp công nghệ xử lý nước thải, rác thải tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Đồng chí Đại tá Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga và đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Hải quân đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh phiên họp.

Dự Hội thảo có đồng chí Thượng tá Lưu Việt Hưng - Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường/Cục Khoa học quân sự. Về phía Quân chủng Hải quân có đồng chí Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần; đại diện Phòng Quân nhu, Phòng Doanh trại, Phòng Quân y/Cục Hậu cần; đại diện Phòng Khoa học quân sự; đại diện Phòng Hậu cần/Bộ Tư lệnh Vùng 4. Phía TTNĐ Việt - Nga có đồng chí Đại tá Đặng Đình Chính, Phó Tổng Giám đốc; đại diện Phòng Kế hoạch khoa học, Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới, Phân viện Công nghệ sinh học và các đồng chí báo cáo viên.

Đại tá Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đại tá Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc TTNĐ Việt - Nga nhấn mạnh, trong những năm qua Trung tâm luôn xác định Quân chủng Hải quân - lực lượng ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại của Quân đội, là đối tác đặc biệt và cần tập trung nguồn lực KH&CN phục vụ nhu cầu của Quân chủng. Năm 2020, Trung tâm đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với Quân chủng Hải quân giai đoạn 2020 - 2025, và đây cũng là căn cứ quan trọng mang tính định hướng để Trung tâm triển khai một cách toàn diện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, môi trường, quân y… giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân. Một số nhiệm vụ KH&CN Trung tâm đã giao Phân viện Công nghệ sinh học triển khai mang tính ứng dụng, tạo ra nhiều sản phẩm, công nghệ từ vi sinh vật, thân thiện với môi trường, có khả năng xử lý chất thải hữu cơ và triển vọng ứng dụng lớn phục vụ cho bộ đội trong các hoạt động sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt như: nhà vệ sinh dội rửa bằng nước biển sử dụng năng lượng mặt trời đồng bộ với chế phẩm vi sinh BKMA; nhà vệ sinh cơ động dùng trong các hầm hào quân sự đồng bộ với chế phẩm vi sinh ưa mặn SM-10… Các sản phẩm trên đã được thử nghiệm thực tế tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và một số đơn vị thuộc Vùng 4/Quân chủng Hải quân cho thấy hiệu quả xử lý chất thải hữu cơ và độ bền, tốt với khí hậu biển. Một số sản phẩm sau quá trình thử nghiệm thực tế cũng đã nhận được sự đánh giá rất tích cực của cán bộ, chiến sĩ và đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt cung cấp để sử dụng trong diễn tập cho bộ đội Trường Sa. Đây cũng là cột mốc mở ra sự hợp tác đầy triển vọng giữa 2 đơn vị trong thời gian tới.

Hội thảo được nghe 04 báo cáo chuyên đề và các đại biểu thảo luận về một số nội dung chính: Đánh giá hiện trạng môi trường tại các đảo thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa; Đánh giá kết quả nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình công nghệ xử lý môi trường tại một số đảo thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa giai đoạn 2020-2023; Đề xuất giải pháp công nghệ xử lý nước thải, rác thải tại các đảo thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa; Đề xuất giải pháp cung cấp năng lượng cho các công trình xử lý chất thải trên đảo.   

Báo cáo viên tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng cũng đã đánh giá cao những sản phẩm nghiên cứu của TTNĐ Việt - Nga phục vụ cho bộ đội Hải quân trong thời gian qua. Đồng chí cũng cho biết, hiện nay trên quần đảo Trường Sa, một số đơn vị cả trong và ngoài Quân đội đã có những đề xuất giải pháp và đã tổ chức xây dựng, áp dụng một số công trình cụ thể nhằm xử lý môi trường như lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải hữu cơ v.v, tuy nhiên còn phân tán, chưa tích hợp đồng bộ và đặc biệt các thiết bị chưa được nhiệt đới hóa nên hư hỏng nhanh do điều kiện khí hậu biển. Tổ chức Hội thảo là cách thức để hai đơn vị thống nhất được một số giải pháp và công nghệ xử lý chất thải phù hợp nhằm giải quyết một cách tổng thể, triệt để các vấn đề về môi trường trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong thời gian tới bao gồm công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt, công nghệ xử lý rác thải và giải pháp cung cấp năng lượng.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng và Đại tá Phạm Duy Nam đã nhất trí với chủ trương đề xuất Thủ trưởng Quân chủng Hải quân và TTNĐ Việt - Nga cho phép triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu hoàn thiện và đề xuất giải pháp công nghệ xử lý toàn diện môi trường tại một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa”.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tin bài: Thanh Thúy (Phân viện CNSH); Ảnh: Duy Hải (Phòng Chính  trị)