Hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới
22/08/2024Chiều ngày 22 tháng 8, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới hướng tới tham gia các hệ thống trích dẫn quốc tế uy tín”.
Quang cảnh hội thảo.
Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới (Tạp chí) chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo có GS. TS. Lê Quốc Hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, GS. TS. Trần Đại Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Hoá học, GS.TS. Phan Trọng Trịnh, Tổng Biên tập Tạp chí các Khoa học về Trái đất, đại biểu một số cơ quan, đơn vị trong Trung tâm và các thành viên Ban Biên tập Tạp chí.
Đại tá Phạm Duy Nam chủ trì hội thảo.
Mở đầu hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đăng Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Tạp chí đã đạt được, theo đó, Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới là tạp chí khoa học đa ngành với cơ quan chủ quản là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, được thành lập và hoạt động từ năm 2012. Với 34 số gồm hơn 500 bài báo đã xuất bản, Tạp chí là kênh uy tín để công bố, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhiệt đới và các ngành có liên quan phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Báo cáo cũng đề xuất gợi mở một số giải pháp và định hướng để Hội thảo đưa ra các ý kiến thảo luận nhằm nâng cao chất lượng Tạp chí đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong thời gian tới.
GS. TS. Nguyễn Đăng Hội báo cáo tại hội thảo.
Trong xu thế phát triển khoa học ngày nay, việc tham gia hệ thống trích dẫn quốc tế không chỉ nâng cao vị thế, chất lượng và tầm ảnh hưởng của Tạp chí mà còn giúp hội nhập khoa học toàn cầu và tăng cường uy tín của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể và hiệu quả để xây dựng lộ trình phát triển từng bước cho Tạp chí.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các ý kiến tham luận từ các chuyên gia có kinh nghiệm quản lý tạp chí khoa học nhiều năm về những khó khăn và thách thức trong quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam cũng như các phương pháp và chiến lược nhằm nâng cao chất lượng của Tạp chí. Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cụ thể như cải tiến quy trình biên tập, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý xuất bản... Mục tiêu nhằm giúp Tạp chí đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao khả năng tham gia vào các hệ thống trích dẫn uy tín như ACI, Scopus và Web of Science...
GS. TS. Lê Quốc Hội phát biểu tại hội thảo.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã tiến hành đánh giá toàn diện về Tạp chí. Các ý kiến ghi nhận rằng tạp chí đã đạt được uy tín trong cộng đồng khoa học, với các bài viết có giá trị nghiên cứu cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhiệt đới. Với lợi thế nhất định của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là đơn vị hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, Tạp chí rất có tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng, hướng tới tiệm cận các tạp chí uy tín trên thế giới.
GS. TS. Trần Đại Lâm phát biểu tại hội thảo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục trong quy trình phản biện, biên tập, xuất bản, cũng như sự thiếu đa dạng về địa lý của thành viên trong Hội đồng Biên tập, của tác giả; tỷ lệ bài viết bằng tiếng Anh còn thấp... Những điều này là trở lực đối với Tạp chí trong việc nâng cao chất lượng và tham gia vào các hệ thống trích dẫn quốc tế uy tín.
GS. TS. Phan Trọng Trịnh chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Các vấn đề như xây dựng đội ngũ biên tập chuyên nghiệp, cải thiện chất lượng nội dung, thu hút các bài viết có giá trị khoa học cao từ cộng đồng nghiên cứu quốc tế cũng được thảo luận chi tiết. Ngoài ra, Tạp chí cần tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng quốc tế để cải thiện mức độ trích dẫn và tiếp cận rộng rãi hơn với cộng đồng nghiên cứu quốc tế.
Thông qua hội thảo, Tạp chí Khoa học và Công nghê nhiệt đới có thêm nhiều thông tin bổ ích về lộ trình quốc tế hóa. Những khuyến nghị và ý kiến từ hội thảo giúp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga xác định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng công bố và uy tín của Tạp chí, hướng tới mục tiêu tham gia vào các hệ thống trích dẫn quốc tế uy tín trong thời gian tới./.
Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)
Bài viết liên quan