TextBody

Hội thảo khoa học “Khoa học và công nghệ vật liệu học nhiệt đới - Từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng” kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (07/3/1988 - 07/3/2023)

06/01/2023

Sáng ngày 06/01/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức Hội thảo khoa học hướng Độ bền nhiệt đới với chủ đề: “Khoa học và công nghệ vật liệu học nhiệt đới - Từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng”. Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động khoa học và công nghệ hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung tâm (07/3/1988 - 07/3/2023). Đồng chí Thiếu tướng, TS. Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm và TS. Alexey Andreevich Svitich, Phó Tổng Giám đốc Phía Nga TTNĐ Việt - Nga đồng chủ trì Hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm và TS. Alexey Andreevich Svitich - Phó Tổng Giám đốc Phía Nga đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà khoa học thuộc các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các đồng chí trong Ban Đồng Tổng Giám đốc, đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ nghiên cứu khoa học hướng Độ bền nhiệt đới của Trung tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm cho biết: TTNĐ Việt - Nga là mô hình hợp tác về khoa học và công nghệ song phương duy nhất giữa Việt Nam và Liên bang (LB) Nga, có vị trí đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thiếu tướng, TS. Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm phát biểu khai mạc hội thảo.

Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước vươn lên trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành về nhiệt đới có vị thế, uy tín được khẳng định ở Việt Nam và LB Nga; đóng góp tích cực vào việc phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh của mỗi nước, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga.

Quang cảnh hội thảo.

Hoạt động KH&CN của Trung tâm tập trung trên 3 hướng chính: Độ bền nhiệt đới (Vật liệu học nhiệt đới), Y sinh nhiệt đới và Sinh thái nhiệt đới. Trong đó, hướng nghiên cứu Vật liệu học nhiệt đới là hướng nghiên cứu chủ đạo của Trung tâm, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Trong thời gian gần 35 năm qua, nhiều sản phẩm, công nghệ do Trung tâm nghiên cứu, phát triển trên hướng vật liệu học nhiệt đới đã thử nghiệm thực tế, được đưa vào ứng dụng phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Đồng chí nhấn mạnh, hướng nghiên cứu này cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía Nga, với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành thuộc hơn 30 tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Nhân dịp này, thay mặt TTNĐ Việt - Nga, đồng chí Tổng Giám đốc Trung tâm gửi lời cám ơn đến các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học của Việt Nam và LB Nga đã phối hợp, hỗ trợ Trung tâm trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

Đồng chí tin tưởng rằng, hội thảo là cơ hội để các bên trao đổi thông tin, đánh giá khả năng hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đưa các sản phẩm nghiên cứu trên hướng độ bền nhiệt đới vào ứng dụng thực tế.

TS. Alexey Andreevich Svitich, Phó Tổng Giám đốc Phía Nga TTNĐ Việt - Nga báo cáo tại Hội thảo.

Tại phiên toàn thể và 02 phiên của các tiểu ban, các đại biểu đã được nghe gần 20 báo cáo khoa học và thảo luận về các kết quả nghiên cứu nổi bật trên hướng độ bền nhiệt đới như: (1) Thử nghiệm, đánh giá độ bền của các chủng loại vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết dưới tác động của các yếu tố khí hậu nhiệt đới; đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; (2) Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các chủng loại vật liệu bảo quản, các phương pháp và phương tiện để bảo vệ vũ khí trang bị kỹ thuật khi niêm cất, bảo quản, khai thác, sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam; (3) Nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ nhiệt đới hóa nâng cao độ bền, độ tin cậy cho các vũ khí trang bị kỹ thuật; (4) Nghiên cứu phát triển các vật tư đặc thù phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; (5) Nghiên cứu, thích ứng một số phương pháp, tiêu chuẩn và chuyển giao công nghệ từ LB Nga vào Việt Nam…

Thượng tá, TS. Vương Văn Trường, Viện trưởng Viện Độ bền nhiệt đới báo cáo tại hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của gần 200 đại biểu là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý từ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài quân đội, cũng như các tổ chức nghiên cứu đến từ Liên bang Nga trên các lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm đánh giá độ bền vật liệu.

Báo cáo viên tại hội thảo.

Thành công của hội thảo lần này tiếp tục thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa TTNĐ Việt - Nga với các tổ chức, cơ quan, đơn vị của hai nước Việt Nam và LB Nga .

Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Cũng trong dịp này, TTNĐ Việt - Nga đã xuất bản 01 số Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới và phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật xuất bản 01 số đặc san Tạp chí Kỹ thuật và Trang bị với tổng số trên 40 bài báo khoa học có nội dung gắn với chủ đề Hội thảo.

Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)