<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Hội thảo khoa học “Sinh thái và môi trường nhiệt đới phục vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam” kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (07/03/1988 - 07/03/2023)

29/12/2022

Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2022, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Sinh thái và môi trường nhiệt đới phục vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam”, đây là một trong số các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập TTNĐ Việt - Nga (07/03/1988 - 07/03/2023). Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm và TSKH. A.N. Kuznetsov - Tổng Giám đốc phía Nga, TTNĐ Việt - Nga đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà khoa học thuộc các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các đồng chí trong Ban Đồng Tổng Giám đốc, đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ nghiên cứu khoa học hướng Sinh thái và môi trường của Trung tâm.

Quang cảnh Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Đại tá, TS. Phạm Duy Nam cho biết: Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga là mô hình hợp tác chưa từng có trong thực tiễn và có vị trí đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga (LB Nga). Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, TTNĐ Việt - Nga đã ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành về nhiệt đới có uy tín ở Việt Nam, LB Nga và trên trường quốc tế; đóng góp tích cực vào việc phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh ở mỗi nước, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga.

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam khai mạc Hội thảo.

Đồng chí nhấn mạnh: Sinh thái và môi trường nhiệt đới là một trong 3 hướng nghiên cứu chủ đạo của TTNĐ Việt - Nga, được định hình và phát triển trong 35 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng nghìn lượt cán bộ, chuyên gia Nga đến Việt Nam nghiên cứu về sinh thái và môi trường nhiệt đới. Trong đó, có rất nhiều chuyên gia là Viện sĩ, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùng hàng trăm chuyên gia có trình độ cao thuộc 30 tổ chức, cơ quan nghiên cứu từ LB Nga.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam và TSKH. A.N. Kuznetsov đồng chủ trì Hội thảo.

Đồng chí cũng tin tưởng rằng, Hội thảo lần này là cơ hội để Trung tâm trao đổi thông tin, khả năng hợp tác với các tổ chức, cơ quan, đơn vị về hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng và phát triển các kết quả sản phẩm hướng Sinh thái và Môi trường nhiệt đới.

Nhân dịp này, thay mặt TTNĐ Việt - Nga, đồng chí Phó Tổng Giám đốc Trung tâm gửi lời cám ơn đến các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học của Việt Nam và LB Nga đã phối hợp, hỗ trợ Trung tâm trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN phát biểu tại Hội thảo.

Trong phiên toàn thể và 03 phiên của các tiểu ban, các đại biểu đã được nghe gần 30 báo cáo khoa học và thảo luận về các kết quả nghiên cứu nổi bật hướng Sinh thái và Môi trường nhiệt đới trên một số lĩnh vực chủ yếu như: (1) Đa dạng sinh học và hiện trạng các hệ sinh thái cạn, bao gồm những vùng bị tác động của chất diệt cỏ trong chiến tranh; đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. (2) Dioxin, các hợp chất tương tự dioxin và các chất hữu cơ gây ô nhiễm khác trong các hệ sinh thái nhiệt đới Việt Nam. (3) Đa dạng sinh học và trạng thái của các hệ sinh thái nước; xây dựng cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái nước. (4) Nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật quần đảo Trường Sa phục vụ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quốc phòng, quân sự và hệ sinh thái sông Mê Kông trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và chịu tác động nhân sinh. (5) Ứng dụng các kết quả nghiên cứu cơ bản phục vụ cho mục đích quốc phòng và dân sinh…

Trong dịp này, TTNĐ Việt - Nga đã xuất bản 02 số Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới (số 29, 30), với trên 40 bài báo khoa học có nội dung gắn với chủ đề Hội thảo.

Tin: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)

Ảnh: Khuất Duy Hải (P.CT)