Hội thảo khoa học về báo cáo kết quả nghiên cứu năm 2019 tại VQG Cát Tiên
25/06/2020Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và VQG Cát Tiên, ngày 19/06/2020 tại trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên, Chi nhánh Phía Nam/Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, đã phối hợp cùng Ban lãnh đạo VQG tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả nghiên cứu năm 2019 tại VQG Cát Tiên”.
Tham gia Hội thảo có sự góp mặt của các cán bộ Việt Nam và Nga của Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga gồm: Thượng tá, TS. Nguyễn Văn Thịnh, TS. Palko I.V. – Đồng Giám đốc chi nhánh phía Nam, TTNĐVN; Thượng tá, TS. Vũ Mạnh – Trưởng phòng Sinh thái cạn; Trung tá, Ths. Nguyễn Thị Minh Thu – Trưởng ban Kế hoạch Khoa học, cùng với các cán bộ khoa học Việt Nam và Nga là thành viên thực hiện đề tài UBPH E 1.1, E 1.2. Về phía VQG Cát Tiên có ông Phạm Hồng Lượng – Giám đốc VQG Cát Tiên cùng với BGĐ và các Trưởng phòng, Trung tâm thuộc VQG.
Quảng cảnh buổi hội thảo.
Phát biểu ý kiến khai mạc, giám đốc VQG Cát Tiên Phạm Hồng Lượng đã khái quát về mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp về mọi mặt giữa hai bên từ trước đến nay đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị. Đáp lời, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh phía Nam/Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã có lời cảm ơn sâu sắc gửi tới tập thể Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, công nhân viên hiện đang làm việc tại VQG Cát Tiên về sự nhiệt thành quan tâm, hỗ trợ khi các nhà khoa học của Trung tâm thực hiện quá trình nghiên cứu khoa học tại VQG Cát Tiên.
Đã có 7 bài báo cáo được trình bày trước Hội thảo gồm: 01 báo cáo khái quát chung về tình hình thực hiện đề tài nghiên cứu tại VQG Cát Tiên của Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga và kế hoạch thực hiện nghiên cứu năn 2020; 06 báo cáo kết quả nghiên cứu trong năm 2019 tại VQG Cát Tiên; đề tài E 1.1 có 02 báo cáo về Nghiên cứu dòng nhiệt ẩm trong hệ sinh thái rừng và Nghiên cứu quang hợp của cây xanh; đề tài E 1.2 có 04 báo cáo: “Nghiên cứu vai trò của các loài chim trong việc di chuyển hạt, trái cây và phục hồi cây rừng”; “Điều tra phổ âm thanh sinh học của rừng nhiệt đới”; “Nghiên cứu cấu trúc và chức năng quần xã sinh vật đất trong các hệ sinh thái rừng nhiệt đới” và “Phân tích các mối quan hệ giữa các chỉ số sinh lý khác nhau của các loài chim nhiệt đới”
Sau khi các nhà khoa học trình bày các nội dung nghiên cứu, Hội thảo đã dành thời gian thảo luận, trao đổi các giải đáp thắc mắc cũng như làm rõ từng vấn đề được quan tâm giữa các bên. Các nhà khoa học của Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga cũng đã đưa ra một số khuyến nghị trong công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tại VQG Cát Tiên. Các báo cáo tại hội thảo của Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga được phía VQG Cát Tiên đánh giá rất cao; kết quả nghiên cứu vừa mang tính khoa học vừa có tính ứng dụng thực tiễn trong công tác bảo tồn cũng như giúp VQG Cát Tiên có thêm tư liệu phục vụ trong công tác giáo dục môi trường. Ngoài ra, VQG Cát Tiên cũng đề nghị Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga giúp VQG Cát Tiên trong công tác đào tạo cán bộ; trong nội dung nghiên cứu cần đáp ứng yêu cầu cả 2 bên.
Hội thảo được thực hiện đã giúp cho sự gắn kết giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga với VQG Cát Tiên trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đơn vị thêm bền chặt. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể thật nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng được thực hiện nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng tại VQG Cát Tiên.
Bài và ảnh: Nguyễn Trung Đức (Phòng Sinh thái cạn/Chi nhánh phía Nam)
Bài viết liên quan