<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Seminar khoa học về “Nghiên cứu tính chất lý-hóa và vận hành của nhiên liệu bảo quản-hoạt động”

31/12/2022

Ngày 20 tháng 12 năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Chi nhánh Phía Nam/ Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga tổ chức Seminar khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu tính chất lý-hóa và vận hành của nhiên liệu bảo quản-hoạt động”. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa Chi nhánh Phía Nam với phía Nga thực hiện đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ do Ủy ban phối hợp về TTNĐ Việt - Nga phê duyệt: “Phát triển công nghệ chế tạo vật liệu bảo vệ chống ăn mòn khí quyển hiệu quả cao bằng cách sử dụng nguyên liệu gốc thực vật và các chất hoạt động bề mặt chứa Flo”, mã số T-1.16, do Chi nhánh Phía Nam là đơn vị chủ trì, TS. Hoàng Đức Quang và GS, TSKH. Gaidar S.M đồng chủ nhiệm.

Đồng chí Trung tá, TS. Nguyễn Trọng Dân, Phó Giám đốc Chi nhánh Phía Nam chủ trì buổi Seminar, tham dự có các cán bộ nghiên cứu thuộc đoàn công tác của Trường Đại học Nông nghiệp Liên bang Nga mang tên K.A. Timiryazeva và các cán bộ khoa học của Chi nhánh Phía Nam.

Phát biểu khai mạc buổi seminar, đồng chí Trung tá, TS. Nguyễn Trọng Dân, nhấn mạnh tính cấp thiết và những kết quả dự kiến đạt được từ đề tài T-1.16, đặc biệt trong hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp Liên bang Nga, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS, TSKH. Gaidar S.M cho các cán bộ khoa học của Chi nhánh Phía Nam, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, chế tạo các chất ức chế ăn mòn hiệu năng cao, chống lại tác động tiêu cực của điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam đến vật liệu.

Tại buổi seminar, GS, TSKH. Gaidar S.M đã trình bày báo cáo liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tổng hợp các chất ức chế ăn mòn gốc thực vật trong điều kiện phòng thí nghiệm và sản xuất ở quy mô công nghiệp, ứng dụng làm nguyên liệu pha chế các loại dầu, mỡ, nhiên liệu bảo vệ chống ăn mòn để niêm cất, bảo quản và vận hành phương tiện. 

 
GS, TSKH. Gaidar S.M. báo cáo tại buổi seminar.

Báo cáo đã tập trung trình bày những kết quả nghiên cứu, đánh giá tính chất của nhiên liệu bảo quản-hoạt động chứa chất ức chế ăn mòn gốc thực vật, so sánh với nhiên liệu thông thường không chứa chất ức chế ăn mòn: về chỉ tiêu lý-hóa; về đặc tính bảo vệ chống ăn mòn trong điều kiện gia tốc, trong điều kiện tiếp xúc với các yêu tố khí hậu và môi trường hoạt động... Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiên liệu chứa chất ức chế ăn mòn gốc thực vật đáp ứng và nâng cao tính chất lý-hóa, khả năng bảo vệ chống ăn mòn cũng như tính sẵn sàng chuyển trạng thái niêm cất - vận hành khai thác sử dụng phương tiện. 
   
Thử nghiệm mô phỏng tác động ăn mòn kim loại trong điều kiện tiếp xúc với các yếu tố khí hậu và môi trường hoạt động của nhiên liệu tại Liên bang Nga.

Bên cạnh báo cáo tại buổi seminar, trong đợt công tác tại Việt Nam, các cán bộ khoa học thuộc đoàn công tác của Trường Đại học Nông nghiệp Liên bang Nga mang tên K.A. Timiryazeva và Chi nhánh Phía Nam phối hợp thực hiện các nội dung của đề tài với các nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm tự nhiên tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm Cần Giờ. Hai bên cũng chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm để thực hiện tốt đề tài T-1.16 giai đoạn 2020-2024 và phát triển trong những năm tiếp theo.

Kết thúc buổi seminar, đồng chí Phó Giám đốc Chi nhánh Phía Nam chỉ đạo nhóm nghiên cứu của đề tài T-1.16 của Chi nhánh Phía Nam trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với phía Nga thực hiện tốt các nội dung của đề tài T-1.16, đồng thời đề xuất với cấp có thẩm quyền của cả hai phía nhằm phát triển nội dung nghiên cứu mới, nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất nhằm triển khai có hiệu quả các nghiên cứu về chất ức chế ăn mòn hiệu năng cao từ nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam. 

GS, TSKH. Gaidar S.M và TS. Hoàng Đức Quang cùng chuẩn bị mẫu kim loại cho thử nghiệm ăn mòn tại Chi nhánh Phía Nam
 
Đặt mẫu thử nghiệm gia tốc ăn mòn tại Chi nhánh Phía Nam

Tiến hành phơi mẫu thử nghiệm tự nhiên tại Trạm Nghiên cứu thử nghiệm Cần Giờ
Hoàng Đức Quang, Chi nhánh Phía Nam

Tin bài: Hoàng Đức Quang, Chi nhánh Phía Nam