Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga với Viện Nghiên cứu Hải sản/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020
27/09/2016Ngày 13/09/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả trong việc hợp tác nghiên cứu khoa học gắn với chức năng, nhiệm vụ của hai bên và nhu cầu thực tế.
Đồng chí Thiếu tướng Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dư, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản báo cáo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Viện Nghiên cứu Hải sản do Thủ trưởng hai đơn vị đã ký năm 2011; báo cáo kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc dự án 47: “Điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học, môi trường, hải dương toàn vùng biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020”. Hội nghị cũng nghe đại diện Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga báo cáo những nhiệm vụ chủ yếu và kết quả đạt được của hướng nghiên cứu sinh thái và đa dạng sinh học biển của TTNĐ Việt – Nga, triển vọng hợp tác với Viện Nghiên cứu Hải sản.
Lãnh đạo hai đơn vị ký Biên bản ghi nhớ hợp tác NCKH giai đoạn 2016-2020
Thủ trưởng hai đơn vị và các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến thảo luận làm rõ những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm và có triển vọng hợp tác, hai bên đi đến thống nhất cam kết duy trì và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học theo các chương trình, đề tài và các nhiệm vụ khoa học khác thuộc lĩnh vực đa dạng sinh học, nguồn lợi và sinh thái – môi trường biển và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chính như sau:
1. Điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển tại các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ưu tiên các vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển hoặc dự kiến đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển;
2. Nghiên cứu phân loại, sinh học, sinh thái và sinh sản một số loài sinh vật biển;
3. Nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng và đề xuất các biện pháp phục hồi, tái tạo hệ sinh thái đã bị suy thoái bởi các tác động tự nhiên, nhân sinh (bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn);
4. Nghiên cứu tác động và mối quan hệ giữa sinh vật, nguồn lợi sinh vật biển với các yếu tố môi trường hải dương, các quá trình tương tác sông – biển;
5. Nghiên cứu chỉ thị sinh học biển, ứng dụng các công nghệ sinh học trong lĩnh vực hải sản, cảnh báo và xử lý ô nhiễm môi trường biển;
6. Phối hợp đào tạo cán bộ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa hoc, đánh giá nghiệm thu, công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong trường hợp Viện Nghiên cứu Hải sản cần thuê chuyên gia Nga tham gia nghiên cứu theo các nhiệm vụ của mình thì TTNĐ Việt – Nga sẵn sàng đóng vai trò làm cầu nối để liên hệ với phía Bạn trong việc tìm chuyên gia, trao đổi nội dung và phương thức hợp tác.
Bài: Lê Văn Long, ảnh Ngô Văn Diện
Bài viết liên quan