TextBody

Kết hợp liệu pháp oxy cao áp trong điều trị loét da, niêm mạc do biến chứng muộn sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ

21/10/2024

Ung thư là một trong những bệnh lý gây tử vong cao trên thế giới và Việt Nam. Ung thư vùng đầu cổ thuộc nhóm ung thư phát sinh ở mũi, lưỡi, má, họng, amidan, thanh quản, tuyến nước bọt, tuyến giáp... Tùy theo loại ung thư và giai đoạn của bệnh mà người bệnh ung thư được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch trị liệu…

Điều trị bằng tia xạ là một trong những phương pháp được dùng khá phổ biến trong điều trị các loại u đặc: não, vú, cổ tử cung, vòm họng, da, xương, vùng đầu cổ … Xạ trị là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao đặc biệt khi khối u còn khu trú và nằm trong trường chiếu, xạ trị có tác dụng tốt trong diệt tế bào ung thư, làm teo nhỏ khối u, hạn chế di căn… Mặc dù y học ngày càng phát triển về các phương thức điều trị, tuy nhiên các tác dụng phụ có thể gặp tương đối nhiều từ các tổn thương cấp tính như tổn thương da, niêm mạc xung quanh khu vực chiếu xạ, tổn thương tuyến nước bọt đến viêm phổi, viêm gan… Tổn thương cấp thường tự hồi phục sau khi hoàn thành điều trị tuy nhiên tổn thương mãn tính có thể phát triển nhiều tháng hoặc nhiều năm sau xạ trị; các tổn thương bao gồm: xơ hóa mô mềm, teo da, loét biểu mô, hoại tử da, hình thành lỗ rò, vỡ mạch máu lớn và chậm lành vết thương.

Trên thế giới liệu pháp oxy cao áp (OXCA) đã được sử dụng để điều trị rất nhiều những bệnh lý khác nhau như các vết thương lâu lành do tiểu đường, bệnh động mạch, tĩnh mạch và dự phòng những biến chứng sau xạ trị của nhiều loại ung thư, chấn thương bức xạ muộn như: viêm loét mô mềm, viêm hoại tử xương… Ở bệnh nhân sau khi chiếu xạ, liệu pháp OXCA tăng cường sửa chữa các vết thương do tình trạng thiếu oxy, chống viêm, giảm phù nề do tăng cường oxy tinh khiết áp lực cao, ngăn ngừa hoại tử lan rộng bằng cách tăng sinh mạch máu mới giúp nuôi dưỡng, phát triển tổ chức hạt.

Năm 2020-2022 tại Trung tâm nghiên cứu điều trị OXCA/Chi nhánh Phía Nam đã thu nhận 90 bệnh nhân có vết loét da, niêm mạc do biến chứng muộn sau xạ trị ung thư vùng đầu cổ để tiến hành nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp OXCA kết hợp trong cải thiện các tổn thương mãn tính này.

Trong 2 nhóm bao gồm: 1/ Nhóm đối chứng 30 bệnh nhân được điều trị bằng chăm sóc vết thương ngoài da thay băng, rửa vết thương hàng ngày bằng gạc vô khuẩn, loại bỏ dị vật và những mảng biểu bì đã bị hoại tử, rửa lại vết thương bằng dung dịch Povidin, thấm khô vết thương bằng gạc vô khuẩn. Vết thương khoang miệng: xúc miệng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, dung dịch sát khuẩn vùng miệng Chlorhexidin solution. Kết hợp sử dụng kháng sinh, chống viêm, vitamin nâng đỡ tổng trạng, chống viêm trong 2 tuần; 2/Nhóm nghiên cứu 60 bệnh nhân được điều trị như nhóm đối chứng kết hợp cùng liệu pháp OXCA với áp suất 2.0-2.5 ATA x 60 phút/ngày x 30 ngày.

Kết quả cho thấy:

- Tỷ lệ cải thiện các triệu chứng cơ năng sau điều trị của bệnh nhân ở nhóm chứng/nhóm điều trị lần lượt là: hạn chế mở miệng 92,3%/97,1%; khó nuốt 80%/97,4%; khó nói 75%/92,6%. Cải thiện nhiều nhất ở cả 2 nhóm là giảm đau đạt 100% bao gồm từ giảm đau ít đến có giảm đau nhiều.

- Tỷ lệ cải thiện vết loét chung của bệnh nhân sau điều trị ở nhóm nghiên cứu 95% cao hơn hẳn so với nhóm chứng 36,7%.

- Mức độ cải thiện diện tích vết thương trước và sau điều trị ở nhóm chứng/nhóm nghiên cứu lần lượt là: Ban đầu diện tích vết loét trung bình tương ứng là 4,44/3,41 cm2; sau 10 ngày diện tích giảm còn 3,52/2,7 cm2; 20 ngày giảm còn 2,61/1,63 cm2 và sau 30 ngày giảm còn 1,92/0,67 cm2, so sánh 2 nhóm thấy rằng nhóm nghiên cứu có hiệu quả tốt hơn so với nhóm đối chứng.

Nghiên cứu cho thấy kết quả điều trị ở nhóm nghiên cứu có tỷ lệ cải thiện triệu chứng cơ năng như xơ cứng, mất cảm giác, khó quay đầu, đau, khô miệng, khó nuốt, khó nói, và hạn chế mở miệng cao hơn so nhóm chứng. Mức độ sung huyết, phù nề, tiết dịch tại vết loét của bệnh nhân ở nhóm nghiên cứu được cải thiện đáng kể, giảm nhiều nhất từ ngày điều trị thứ 20 trở đi. Cùng với đó diện tích, số lượng, tình trạng viêm mãn cũng như mức độ lên mô hạt ở vết thương sau đợt điều trị cũng thay đổi rõ rệt, thu hẹp và cải thiện rõ. Tỷ lệ cải thiện vết loét chung của bệnh nhân sau điều trị ở nhóm nghiên cứu cao hơn so với nhóm chứng.

Chi tiết về kết quả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới số 27, 12/2022.

Tin bài: BSCK1. Phạm Thị Duyên, Trung tâm nghiên cứu điều trị OXCA/Chi nhánh Phía Nam