Kết quả bước đầu nghiên cứu khu hệ chó nhà tại một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam và đánh giá khả năng sử dụng chúng làm chó nghiệp vụ
02/07/2021Chó nhà (Canis lupus familiaris hoặc Canis familiaris) thuộc lớp thú (Mammalia) bộ ăn thịt (Carnivora). Chó nhà là một trong những động vật được con người thuần hoá từ rất sớm. Theo Dawin, chó nhà có nguồn gốc đa tổ tiên, tức là chó nhà có thể có nguồn gốc từ chó sói, chó rừng, và một số loài động vật ăn thịt khác. Tuy nhiên ngày nay với sự hỗ trợ bởi các kỹ thuật di truyền phân tử hiện đại đã chứng minh rằng chó nhà chỉ có 1 tổ tiên duy nhất là chó sói, một trong những loài gần gũi với chó nhà trong hệ thống phân loại.
Ở châu Á đặc biệt là khu vực Đông Á, dựa trên những đặc điểm tương đồng về hình thái, Olsen đã cho rằng chó nhà có nguồn gốc từ sói Trung Quốc (C. lupus chanco) hay còn được gọi là chó sói Tây Tạng (C. lupus laniger). Bên cạnh đó dựa vào kết quả nghiên cứu của Peter Savolainen và Ya-Ping Zhang đã chỉ ra rằng chó nhà tại khu vực Đông Nam Á có mức độ đa dạng di truyền cao nhất và có quan hệ gần gũi với sói xám. Đồng thời các tác giả cũng đưa ra giả thuyết chó nhà được thuần hoá đầu tiên ở Đông Nam Á cách đây 33.000 năm và khoảng 15.000 năm trước chó nhà bắt đầu di cư đến Trung Đông và Châu Phi.
Hình 1. Mô hình giả thuyết quá trình thuần hoá chó nhà
Trải qua hàng nghìn năm của quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo hiện nay trên thế giới đã có hơn 400 giống chó khác nhau. Tại Việt Nam các giống chó bản địa vẫn được gọi chung là chó ta. Nhưng đến năm 2006 chuyến khảo sát đầu tiên của nhóm nghiên cứu khuyển học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tại Hà Giang đã cho thấy chó bản địa VN rất phong phú và đa dạng về hình thái. Các cuộc khảo sát tiếp tục được mở rộng khắp miền Bắc vào năm 2007 và khu vực bắc trung bộ (năm 2008) bằng phương pháp đánh giá so sánh các dạng hình thái đã xác định được 13 dạng chó bản địa của Việt Nam bao gồm Việt dingo, Dingo lùn, Dingo lớn, H’mông cộc đuôi, H’mông lông dài, Bắc Hà, Chó dạng kéo xe, Sharki, Akita, Laika, Sapei, Chó lào, Dạng sói. Tỷ lệ của chúng được biểu hiện qua hình 2
Hình 2. Tỷ lệ các dạng chó bản địa của Việt Nam tại khu vực Bắc và Bắc Trung bộ
Một số dạng chó chiếm ưu thế về số lượng là: chó Việtdingo, Dingo lớn, Sharki, chó H’mông cộc đuôi chiếm tỷ lệ từ 11,19% đến 24,07%, và thấp nhất là chó Dingo lùn, chỉ chiếm tỷ lệ 0,68%. Các dạng khác có tỷ lệ từ 1,36% đến 8,81%. Bên cạnh những kết quả thu được về thành phần và tỷ lệ các dạng chó bản địa Việt Nam, kết quả của các chuyến khảo sát cũng chỉ ra sự phân bố của chúng theo đơn vị hành chính cấp tỉnh và theo các đai độ cao
Một số dạng chó có vùng phân bố rộng như Việt dingo, H’mông cộc đuôi, Sharki, Akita, Laika, và Dingo lớn, chúng có mặt ở hầu hết các tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các dạng chó khác có mặt ở 2 đến 9 tỉnh thành thuộc khu vực nghiên cứu. Dạng chó Dingo lùn có sự phân bố hẹp, chỉ thấy xuất hiện ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, chó Dạng sói chỉ ở Thanh Hoá, Nghệ An, và chó Lào chỉ phân tại Hoà Bình, Điện Biên, Thanh Hoá, có thể đây là những giống chó mang tính đặc hữu khu vực.
Hình 3. Sự phân bố của các dạng chó bản địa Việt Nam theo độ cao
Các dạng chó như H’mông cộc đuôi, H’mông lông dài và Bắc Hà có giải phân rộng, chúng phân bố từ 200 đến 1.800m so với mặt nước biển và trung bình khoảng trên 800m. Chó Dạng sói và Chó Lào có giải phân bố hẹp nhất từ 100m đến 400m, tuy nhiên đây có thể là các dạng có tính đặc hữu ở vùng đồng bằng. Các dạng chó Akita, Laika, Sharki có phân bố tập trung ở độ cao 300- 1300m, không thấy xuất hiện ở độ cao cao hơn.
Như vậy thành phần các dạng chó thuộc loài chó nhà bản địa Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ khá đa dạng và phân bố rộng. Mức độ đa dạng cao thấy ở các tỉnh miền núi hẻo lãnh và cách xa trung tâm đô thị, ít có tác động của con người, ít có giao lưu, đường giao thông khó khăn, không thuận tiện. Còn ở các khu vực thành phố, kinh tế phát triển thì tỷ lệ chó bản địa rất thấp.
Tổng hợp: TS. Đinh Thế Dũng/Viện STNĐ
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ