<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Kết quả chính Hội nghị COP27: 'Cùng nhau hành động'

24/11/2022

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã diễn ra trong hơn 2 tuần, từ ngày 06/11/2022 đến ngày 20/11/2022 tại thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheik của Ai Cập. Trong ngày làm việc cuối cùng, Hội nghị đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử: Thành lập một quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” toàn cầu nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo bị chịu thiệt hại do thảm họa khí hậu.

Với khẩu hiệu “Cùng nhau hành động”, COP27 đã tổ chức các hội nghị bàn tròn cấp cao về các chủ đề: an ninh lương thực; an ninh nguồn nước; tài chính; an ninh năng lượng và tương lai; những cộng đồng dễ bị tổn thương; và sự cần thiết chuyển đổi năng lượng khỏi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài việc tổ chức hội nghị bàn tròn, Hội nghị được chia thành 11 “ngày chuyên đề” về: tài chính; khoa học và công nghệ; thế hệ trẻ và tương lai; khử cacbon; thích ứng và nông nghiệp; giới tính; nước; tuổi tác và xã hội dân sự; năng lượng; đa dạng sinh học; và các giải pháp khí hậu.

Ảnh: Reuters.

Kết quả nổi bật tại COP27 là đạt được thoả thuận đột phá về việc thành lập quỹ bồi thường "Tổn thất và Thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đối với nhiều nhà hoạt động môi trường, quỹ này đại diện cho một chiến thắng gian khổ kéo dài nhiều năm và được thúc đẩy thành lập trong bối cảnh sự chú ý toàn cầu hướng về những nạn nhân trong các thảm họa khí hậu như trận lũ lụt tàn khốc ở Pakistan vào mùa hè năm nay.

Thành lập thành lập quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" được coi là khoảnh khắc lịch sử tại COP27 - Ảnh: Reuters.

Phát biểu hoan nghênh việc thành lập quỹ này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Tôi hoan nghênh quyết định thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại và vận hành nó trong giai đoạn tới. Rõ ràng điều này sẽ không đủ, nhưng đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia. Tiếng nói của những nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu phải được lắng nghe. Hệ thống Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ nỗ lực này từng bước một”.

Theo đánh giá của giới phân tích, thỏa thuận COP27 đã đạt được tiến triển đáng kể liên quan đến giảm thiểu, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại, phù hợp với tầm nhìn của nước Chủ tịch COP27 Ai Cập. Về giảm thiểu, thỏa thuận kêu gọi cần phải giảm nhanh, sâu và bền vững lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo đó giảm 43% lượng khí thải ròng toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2019 để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C. Về thích ứng, thỏa thuận kêu gọi các bên tiếp tục lồng ghép vấn đề nước vào các nỗ lực thích ứng để tăng cường bảo vệ, bảo tồn và khôi phục an ninh lương thực, nông nghiệp, nước và các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm cả các lưu vực sông. Về tài chính khí hậu, thỏa thuận nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế trong hệ thống tài chính để đảm bảo huy động được tài chính khí hậu từ nhiều nguồn khác nhau.

Bên cạnh những thành công của COP27, các bên cũng bày tỏ những điểm thất vọng chưa đạt được thoả thuận. Phản ứng về thỏa thuận cuối cùng vừa được thông qua tại Hội nghị COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Hội nghị đã chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Ông Guterres khẳng định: "Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình cảnh nguy cấp. Chúng ta cần giảm mạnh ngay khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề mà COP lần này chưa giải quyết được". Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, so với kỳ họp trước, COP 27 vẫn còn thiếu nhiều cam kết: “Mục tiêu lượng khí thải đạt đỉnh trước năm 2025 không có trong văn bản này. Việc loại bỏ từng bước sử dụng than đá không được đề cập trong văn bản này. Một cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch cũng không có trong văn bản này. Những cam kết về chuyển đổi năng lượng trở nên mờ nhạt dần”. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng sự thiếu tham vọng giảm khí thải có nghĩa là "thế giới đang mất thời gian quý báu trên đường tiến tới giới hạn tăng nhiệt trên Trái Đất ở mức 1,5 độ C”. Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho rằng thỏa thuận về khí hậu đạt được tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập không phải là một bước tiến đủ mạnh, đồng thời ông chỉ trích cam kết của một số quốc gia đối với nỗ lực hạn chế nhiệt độ gia tăng. Phát biểu họp báo, ông Timmermans nói: "Đây là thập kỷ quyết định thành công hay thất bại, nhưng những gì chúng ta có trước mắt không đủ để tạo nên một bước tiến cho con người và hành tinh. Thỏa thuận đạt được chưa mang lại thêm đủ động lực để các quốc gia có lượng khí thải lớn tăng cường và đẩy nhanh việc giảm khí thải".

Ngoài ra, hiệu quả về điểm sáng lớn nhất tại hội nghị COP 27 dường như không chắc chắn. Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại đã được thành lập, song những điều khoản chi tiết về hoạt động của quỹ này sẽ phải chờ thêm ít nhất 1 năm nữa, đến khi lãnh đạo các quốc gia tiếp tục thảo luận tại COP28. Do đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trong năm tới.

Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực tại COP27

Trong khuôn khổ COP27, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tích cực tham gia thảo luận cùng các bên tại COP27 để thúc đẩy những cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế, tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng. Tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nghiên cứu triển khai thị trường carbon và chuyển đổi năng lượng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP27, đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế. Thứ hai, tiếp nối COP26, Việt Nam sẽ tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự COP 27. Ảnh: Chinhphu.vn.

Cập nhật thông tin sau Hội nghị COP27, ông Phạm Văn Tấn - Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 - cho biết, rất nhiều nước, tổ chức đã mời Việt Nam trao đổi tại những hội nghị quan trọng trong những ngày Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có mặt tại hội nghị. Nổi bật là cuộc họp hàng năm của các nước tham gia Cam kết metan do Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry chủ trì với sự tham gia của hơn 40 bộ trưởng ngày 14/11. 100 nước tham gia Tuyên bố metan ngày 17/11. Cả 2 hội nghị này đều mời Việt Nam phát biểu và với cái thời lượng rất thích hợp. Theo quan sát của ông Phạm Văn Tấn, chưa năm nào thấy vị thế của Việt Nam, tiếng nói của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các thỏa thuận của hội nghị nổi bật như hội nghị lần này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiếp tục cùng với các nước trên thế giới trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng của các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Nguyễn Xuân Ngọc, Phòng Thông tin KHQS (tổng hợp).