TextBody

Kết quả hoạt động KHCN năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ KHCN năm 2016 của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga

31/03/2016

Năm 2015, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương (QUTW), Bộ Quôc Phòng (BQP), sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan trong và ngoài Quân đội. Với phương châm: “Hợp tác, thiết thực, hiệu quả và thực chất”, Trung tâm đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt. Hoạt động của Trung tâm ngày càng có điều kiện gắn kết với các nhiệm vụ quân sự – quốc phòng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng triển lãm của Trung tâm tại Techmart quốc tế Việt Nam năm 2015

Nhiệm vụ KHCN hỗn hợp Việt – Nga của Trung tâm đã được Đồng Chủ tịch Uỷ ban Phối hợp (UBPH) phê duyệt gồm 20 đề tài và 01 nhiệm vụ kỹ thuật: hướng độ bền nhiệt đới (ĐBNĐ) – 07 đề tài, hướng sinh thái nhiệt đới (STNĐ) – 06 đề tài và 01 nhiệm vụ kỹ thuật, hướng y sinh nhiệt đới (YSNĐ) – 07 đề tài.

Hướng độ bền nhiệt đới

Tiếp tục thu thập số liệu và đánh giá kết quả hơn 40 chương trình thử nghiệm tại các Trạm thử nghiệm của Trung tâm, trong đó có 05 chương trình thử nghiệm mới do phía Việt Nam đề xuất. Triển khai các nghiên cứu về đặc điểm ăn mòn, bám bẩn sinh học biển nhiệt đới cũng như các hỏng hóc đặc trưng của vũ khí, trang bị kỹ thuật hải quân và đề xuất biện pháp bảo vệ, hạn chế ăn mòn do yếu tố khí hậu biển gây ra. Tiếp tục nghiên cứu về quá trình suy giảm chất lượng, nguyên nhân xuống cấp của lớp sơn bảo vệ, các hệ thống, khối, tổ hợp và vật liệu trên máy bay; thử nghiệm kỹ thuật thông hơi cưỡng bức các khối thiết bị của máy bay bằng khí khô tại vị trí cất giữ.

Hướng sinh thái nhiệt đới

 Đã tổ chức 26 chuyến nghiên cứu dã ngoại hỗn hợp Việt – Nga với hơn 80 lượt cán bộ khoa học Nga và trên 200 lượt cán bộ khoa học phía Việt Nam, nghiên cứu về các dòng nhiệt ẩm và khí cacbonic của các hệ sinh thái rừng tại tháp quan trắc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và khu vực lân cận; nghiên cứu đa dạng sinh học các hệ sinh thái cạn ở một số vùng rừng núi đặc trưng của Việt Nam tại các VQG, khu bảo tồn…; nghiên cứu hậu quả tác động của chất độc hóa học chiến tranh đến môi trường sinh thái; nghiên cứu đa dạng sinh học các loài sinh vật nước ngọt, cấu trúc, chức năng… các hệ sinh thái biển ven bờ Việt Nam; thử nghiệm trồng san hô và sinh sản nhân tạo một số loài cá biển,…

Tổ chức lớp học về sinh thái cho cán bộ khoa học trẻ lần thứ tư tại khu vực Tây Nguyên với sự tham gia của hơn 20 cán bộ khoa học của Việt Nam và Nga.

 Hướng y sinh nhiệt đới

Tiếp tục điều tra, khảo sát các bệnh dịch hạch, sốt mò, sốt xuất huyết khu vực phía Nam; giám sát dịch tễ học phân tử, đặc điểm di truyền của virut viêm gan B và khuyến nghị phương pháp điều trị; nghiên cứu các loài thực vật của Việt Nam có chứa ecdysteroid để sản xuất các dược phẩm và thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe; thử nghiệm sử dụng thiết bị của phía Nga trong chẩn đoán và phục hồi sự đồng bộ chức năng tim mạch, hô hấp cho cựu chiến binh và người cao tuổi tại Hà Nội và Bắc Ninh…

Năm 2015, hoạt động KHCN riêng phía Việt Nam của Trung tâm đã triển khai nhiều nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho quân sự – quốc phòng.

Đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước

 Năm 2015, Trung tâm tiếp tục thực hiện đề tài Nghị định thư về ứng dụng công nghệ gen trong chọn tạo giống chó H’Mông cộc đuôi và đề tài thuộc Chương trình Hoá-Dược về tổng hợp chất làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị ung thư phổi.

 Đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật

Đã nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ và tổng hợp dietylferrocen dùng chế tạo nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195VN đạt các yêu cầu kỹ thuật đề ra; nghiên cứu chế tạo chế phẩm chống nấm mốc bio-AIT ứng dụng trong bảo quản ống nhòm quân sự và đang thử nghiệm tại kho của Cục Quân khí.

Đang tiếp tục nuôi thử nghiệm bảo tồn nội vi ở Vịnh Nha Trang 26 con đồi mồi, tiếp tục nghiên cứu 01 cá heo ông sư trong khuôn khổ nhiệm vụ quỹ gen cấp BQP; thu thập số liệu về đặc điểm tự nhiên, khí hậu, môi trường,… phục vụ việc phân tích, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến các khu kinh tế, quốc phòng; tham gia tư vấn xây dựng và triển khai mô hình phát triển rừng phòng hộ ven biển nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến công trình và hoạt động quân sự tại QK3; lập cam kết bảo vệ môi trường đường tuần tra biên giới thuộc một số tỉnh biên giới Tây Nam bộ…

 Đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Trung tâm

Đã sản xuất thử nghiệm được 50 tấm tái sinh không khí cho tàu ngầm đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mẫu sản phẩm của Nga; thử nghiệm sơn chống hà bảo vệ vỏ cao su tàu ngầm, thử nghiệm đánh giá anionit và cationit xử lý nước làm mát trên tàu ngầm; nghiên cứu chế tạo lớp bảo vệ bo mạch điện tử.

Công tác Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng(TC-ĐL-CL)

 Hoàn thành việc đăng ký, được công nhận năng lực phân tích dioxin và một số chỉ tiêu môi trường theo tiêu chuẩn VILAS (ISO/IEC17025:2005) đối với Phân viện Hóa-Môi trường. Đang triển khai biên soạn 04 tiêu chuẩn cơ sở (TCQS); duy trì năng lực của các cơ sở thử nghiệm đã được công nhận; chuẩn bị hồ sơ và triển khai nhiệm vụ xây dựng, đề nghị công nhận năng lực thử nghiệm theo VILAS đố với Viện ĐBNĐ. Tiếp tục nhiệm vụ xây dựng mới tiêu chuẩn áp kế trên thiết bị LAVA và đã được Hội đồng cấp TCKT nghiệm thu.

Về hoạt động ứng dụng, CGCN và dịch vụ KHKT, năm 2015, Trung tâm tiếp tục các với các lĩnh vực và sản phẩm truyền thống là vật liệu bảo quản, thiết bị xử lý môi trường, dịch vụ phân tích dioxin, dịch vụ Oxy cao áp (OXCA) và các dịch vụ y tế khác,…:

 Đã sản xuất, cung cấp vật liệu bảo quản, vật tư cho các đơn vị quân đội theo hợp đồng đã ký năm 2015 đạt khoảng 200 tấn, trên 140 m2 giấy tẩm chất ức chế bay hơi và 330.000 tờ giấy quỳ. Hoàn thành chế tạo dây chuyền thiết bị tách lọc xử lý rác thải sinh hoạt công suất 100 tấn/ngày và thiết kế, chế tạo loạt sản phẩm chuyên dụng cho dự án dạy nghề thuộc chương trình quốc gia,…

 Phối hợp với phía Nga cung cấp cho Quân chủng Phòng không- Không quân  (QC PK-KQ) 02 bộ thiết bị kiểm tra tình trạng kỹ thuật động cơ máy bay Su30; bàn giao cho Quân chủng Hải quân (QCHQ) 02 bộ kính ngắm hỗn hợp ngày đêm trên pháo hạm AK 176 đã được cải tiến, nâng tầm quan sát kênh đêm theo công nghệ của Nga; hoàn thành hợp đồng với nhà máy A42/QC PK-KQ về tư vấn khảo sát thiết kế kỹ thuật dự án cải tạo, nâng cấp giàn thử nghiệm động cơ máy bay; chế tạo, bàn giao 04 bộ thiết bị làm sạch hà dưới nước cho Cục Kỹ thuật Hải quân.

Đã phối hợp với QC PK-KQ và phía Nga tổ chức hội thảo tập huấn khai thác bộ thiết bị kiểm tra động cơ máy bay họ SU tại Đà Nẵng; xây dựng nhiệm vụ cung cấp, chuyển giao công nghệ dây chuyền sửa chữa lớn các chi tiết, cụm chi tiết của hệ thống thủy lực điều khiển máy bay SU 27/30 tại Nhà máy A32.

Khám và điều trị OXCA cho gần 1.200 bệnh nhân với 14.000 lượt điều trị hiệu quả, an toàn.

Tham gia dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa; dự án xử lý dioxin tại các điểm nóng do Văn phòng 33 chủ trì và đánh giá ô nhiễm, phát thải dioxin/furan, các chất tương tự dioxin ở một số nhà máy, xí nghiệp, lò đốt chất thải nguy hại. Đã thực hiện phân tích gần 600 mẫu dioxin/furan, 110 mẫu PCB tương tự dioxin và các mẫu khác.

Tham gia Techmart quốc tế Việt Nam 2015 với kết quả được đánh giá tốt.

Trong năm 2015, công tác quản lý Khoa học công nghệ và Môi trường (KHCN &MT) của Trung tâm đã tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, BQP và có vận dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của Trung tâm trong triển khai các hoạt động KHCN hỗn hợp Việt – Nga.

Đã thực hiện tổng kết công tác KHCN&MT giai đoạn 2011-2015 theo Chỉ thị của Bộ trưởng BQP; rà soát, đề nghị khen thưởng thành tích hoạt động KHCN&MT giai đoạn 2010-2015 và tiếp tục nội dung quản lý kế hoạch KHCN cá nhân năm 2015.

Tổ chức thành công Hội thảo khoa học Việt – Nga “Bảo đảm độ bền nhiệt đới cho vũ khí, trang thiết bị quân sự do Nga sản xuất” . Tổ chức lớp tập huấn “Thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt và đạo đức trong nghiên cứu ngành y” cho cán bộ ngành y và hướng YSNĐ của Trung tâm. Phát hành được 02 số (số 8 và số 9) Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới.

 Đã thực hiện xét, công nhận ngạch khởi đầu cho 11 nghiên cứu viên, 01 kỹ sư; được BQP xét công nhận 02 nghiên cứu viên chính; đã đề nghị và đang được BQP xét, công nhận 03 nghiên cứu viên chính, 01 kỹ sư chính và 01 thanh tra viên chính. Trong năm, Trung tâm có 01 cán bộ được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2016 Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tiếp tục cùng với phía Nga xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KHCN hỗn hợp theo hướng tăng cường nghiên cứu ứng dụng gắn kết với các chương trình KHCN của Nhà nước, BQP, nhiệm vụ của các đơn vị Quân đội. Tăng cường đề xuất các nhiệm vụ riêng phía Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ CGCN từ Nga vào Việt Nam, ưu tiên phục vụ QS-QP và công tác bảo đảm kỹ thuật của Quân đội. Tăng cường thử nghiệm tự nhiên các sản phẩm phục vụ quân sự và dân sinh, gắn với yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của thị trường.

 Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật các trạm thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm của Trung tâm; từng bước đăng ký năng lực thử nghiệm cấp Bộ, cấp quốc gia đối với tất cả các phòng thí nghiệm hiện có và đẩy mạnh khai thác phục vụ các đề tài, nhiệm vụ của Trung tâm kết hợp làm các dịch vụ KHKT.

 Tăng cường công tác quản lý ở các cấp, các ngành. Rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quản lý khoa học công nghệ phù hợp với Luật KHCN và Quy chế, quy định của Trung tâm.

Năm 2016, nhiệm vụ KHCN hỗn hợp Việt – Nga bao gồm việc triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ theo kế hoạch đã được Đồng Chủ tịch UBPH phê duyệt tại phiên họp lần thứ 27, gồm 20 đề tài (Hướng ĐBNĐ 07 đề tài; hướng STNĐ 06 đề tài; hướng YSNĐ  07 đề tài) và các hoạt động tổng kết 30 năm thực hiện Hiệp định.

Danh mục nhiệm vụ cấp Nhà nước, BQP trong kế hoạch KHCN năm 2016 của riêng phía Việt Nam được xác định trong Quyết định giao nhiệm vụ của Bộ KH&CN, BQP, bao gồm các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới. Nhiệm vụ KHCN&MT cấp Bộ, ngành và địa phương khác được xác định theo quyết định phê duyệt, hợp đồng ký kết với bộ, ngành và địa phương.

Năm 2016, Phía Việt Nam TTNĐ Việt – Nga thực hiện những nhiệm vụ KHCN đã được phê duyệt, chuyển tiếp từ năm 2015 và dự kiến mở mới gồm: 01 nhiệm vụ cấp quốc gia; 08 đề tài, nhiệm vụ cấp BQP và TCKT; một số đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ, ngành, địa phương, đề tài theo Chương trình 33, nhiệm vụ Bộ Tổng tham mưu (BTTM) và hơn 20 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Tập trung vào các công việc chính sau đây:

Tổng kết 30 năm thực hiện Hiệp định ngày 07/3/1987;

 Xây dựng, bảo vệ đề cương các đề tài, nhiệm vụ mở mới theo kế hoạch của cơ quan chủ quản và triển khai thực hiện nội dung các đề tài, nhiệm vụ theo kế hoạch được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ;

 Báo cáo nghiệm thu các đề tài hoàn thành nội dung; đăng ký, giao nộp kết quả nghiên cứu theo quy định;

 Xây dựng kế hoạch KHCN các cấp năm 2017, 2018. Tăng cường hoạt động của hội đồng KHCN các cấp trong Trung tâm nhằm tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN và giải quyết các vấn đề KHCN cụ thể.

Thực hiện thống kê, báo cáo kết quả công tác KHCN theo quy định và tổ chức kiểm tra, thanh tra KHCN theo kế hoạch định kỳ, đột xuất;

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác TC-ĐL-CL năm 2016 và thúc đẩy sự tham gia của phía Nga trong các hoạt động ứng dụng và CGCN;

Về các nhiệm vụ KHCN khác

 Chuẩn bị kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, xuất bản chuyên khảo hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập TTNĐ Việt – Nga. Tổ chức tập huấn công tác KHCN&MT sau tập huấn của BQP.

 Thực hiện các nội dung về công tác xây dựng tiềm lực KHCN theo kế hoạch: Đào tạo, bồi dưỡng, xét duyệt và công nhận chức danh Chuyên môn- Kỹ thuật- Nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật của Trung tâm. Hoàn thành đăng ký năng lực thử nghiệm theo VILAS cho Viện ĐBNĐ.

 Tiếp tục các dự án nâng cao tiềm lực KHCN đã được phê duyệt và chuyển tiếp từ năm 2015; sắp xếp điều chuyển trang thiết bị khoa học giữa các đơn vị, trang bị bổ sung đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với những thành tựu đã đạt được trong năm qua, được sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thường trực Phân ban Việt Nam và của các cơ quan Nhà nước, Bộ Quốc phòng; với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016; tạo đà cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo, góp phần củng cố và phát triển Trung tâm trong giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nhiệm kỳ 2015-2020./

 Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga