TextBody

Kết quả khảo sát thành phần loài muỗi tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thử nghiệm Cần Giờ và Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

12/06/2024

Muỗi là một trong những véc-tơ truyền bệnh quan trọng, tác nhân truyền qua muỗi gây bệnh trên người có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Phía Nam Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới điển hình, thuận lợi cho các loài muỗi sinh sôi nảy nở. Mức độ đa dạng của chúng có thể giữ vai trò then chốt trong sự lưu hành của Arbovirus khác nhau và ký sinh trùng sốt rét.

Như đã biết, muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus là trung gian chính truyền các bệnh do Arbovirus, trong đó virus dengue là được coi là tác nhân gây bệnh quan trọng và rộng rãi nhất. Trên thế giới, từ tháng 11/2022 - 12/2023 ghi nhận trên 5 triệu ca mắc và trên 5.000 ca tử vong tại 80 quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng với khu vực Tây Thái Bình Dương, từ tháng 01/2023 đến 07/12/2023 ghi nhận hơn 500 nghìn ca nhiễm và 750 ca tử vong tại 08 quốc gia/vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Quốc gia có ca mắc nhiều nhất là Phi-líp-pin (167.355 ca mắc, 575 ca tử vong); Việt Nam 149.557 ca mắc, 36 ca tử vong. Sốt xuất huyết được coi là dịch bệnh đặc hữu địa phương tại một số quốc gia như Cam-pu-chia, Lào, Phi-líp-pin và Việt Nam (who.int). Chiến lược kiểm soát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết ngày càng trở nên phức tạp khi tính kháng thuốc diệt côn trùng ngày càng cao, khả năng thích nghi với điều kiện sống ngày càng mở rộng dẫn tới việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh không đạt hiệu quả cao.

Các nghiên cứu về thành phần loài muỗi tại Việt Nam và vai trò truyền bệnh của chúng được các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Theo cơ sở dữ liệu về bản đồ phân bố chân đốt y học tại khu vực Nam bộ (impehcm.org.vn) của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), phía Nam Việt Nam ghi nhận mức độ đa dạng về thành phần loài muỗi tương đối cao, mỗi loài đều giữ vai trò quan trọng trong sự lưu hành dịch bệnh. Tại Việt Nam ghi nhận 05/28 loài muỗi Culex truyền viêm não Nhật Bản, 04 loài truyền giun chỉ bạch huyết, 02 loài vừa truyền viêm não Nhật Bản vừa truyền giun chỉ bạch huyết. Tại huyện Cần Giờ, TP. HCM ghi nhận có 03 loài Cx. bitaeniorhynchus, Cx. tritaenorynchus, Cx. quinquefasciatus. Theo cơ sở dữ liệu này cho thấy, tại Việt Nam xác định được 15/60 loài muỗi Anopheles là véc-tơ chính, véc-tơ phụ và véc-tơ nghi ngờ trong lây truyền ký sinh trùng sốt rét. Các loài véc-tơ chính bao gồm An. dirus, An. minimus, An. epiroticus. Tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước tìm thấy 02/3 véc-tơ chính (An. dirus, An. minimus) và An. aconitus, trong khi đó tại huyện Cần Giờ chỉ tìm thấy An. subpictus.

Trong khuôn khổ nội dung đề tài thuộc Kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số M-1.1, nhiệm vụ 6 “Nghiên cứu sự biến đổi gen độc lực và khả năng kháng thuốc theo mùa của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong véc-tơ truyền bệnh loài Anopheles”, từ ngày 15/5/2024 đến 18/5/2024, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát thực địa tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập và một số xã vùng đệm thuộc huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) nhằm thử nghiệm phương pháp bắt/bẫy muỗi tại thực địa, xác định thành phần loài muỗi, tìm kiếm muỗi Anopheles - là cơ sở để thực hiện xét nghiệm tìm kiếm ký sinh trùng sốt rét lưu hành trong quần thể véc-tơ truyền bệnh. 

Description: A collage of two peopleDescription automatically generated

Hình 1 -Thu thập mẫu muỗi và bọ gậy tại các khu vực thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Tại Trạm nghiên cứu, Ứng dụng và Thử nghiệm Cần Giờ, nhóm nghiên cứu sử dụng bẫy đèn, bẫy hút và vợt để thử nghiệm thu thập mẫu muỗi, bọ gậy. Trong thời gian thực hiện, nhóm thu thập được gần 800 cá thể muỗi và 600 cá thể bọ gậy. Dựa vào từ khóa định danh muỗi theo các đặc điểm hình thái xác định được sự lưu hành của muỗi Culex, Anopheles và Ae. albopictus. Trong đó, muỗi Culex chiếm ưu thế (hơn 98%), còn lại muỗi AnophelesAe. albopictus (gần 2%). Tỷ lệ tương tự với đa dạng thành phần bọ gậy của các loài muỗi kể trên.

Tại VQG Bù Gia Mập và các xã vùng đệm, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, lựa chọn địa điểm, đặt bẫy và thu thập mẫu bằng các phương pháp kể trên. Kết quả thu được 241 cá thể muỗi trưởng thành, bao gồm các loài Aedes aegypti, Ae. albopictus, Culex sp., Armigares sp., Anopheles sp. và 935 cá thể bọ gậy của muỗi Aedes aegypti, Ae. albopictus, Culex sp., Armigares sp., Anopheles sp. tại các sinh cảnh khác nhau thuộc khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy thành phần loài tại đây tương đối phong phú, bao gồm cả muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn thành thị) và muỗi Armigares. Tuy nhiên, muỗi Culex vẫn là loài chiếm ưu thế với tỷ lệ gần 50%, sau đó đến Ae. aegypti, Armigares, Ae. albopictus Anopheles.

Một số hình ảnh định danh bọ gậy tại Phòng thí nghiệm theo khóa định loại:    

Hình 2 - Bọ gậy của muỗi Aedes aegypti (1 - đốt bụng VIII được khoanh tròn; 2 - răng lược có gai giữa và gai bên); bọ gậy của muỗi Aedes albopictus (3 - soi dưới kính hiển vi độ phóng đại 4X) và một số đặc điểm hình thái đặc trưng (4 - đốt bụng VIII, độ phóng đại 10X); 5 – răng lược đốt bụng VIII tương đối dài, độ phóng đại 40X). (Hình chụp tại Phòng thí nghiệm Phòng YSNĐ, CNPN).

Hình 3 - Bọ gậy của muỗi Culex sp. (1 - kích thước nguyên bản; 2 - ống thở mảnh, dài; 3 - bọ gậy soi dưới kính hiển vi độ phóng đại 4X; 4 - các đốt cuối bụng bọ gậy, độ phóng đại 10X; 5 - lược đốt bụng VIII, độ phóng đại 40X).

Kết quả thu được trong chuyến khảo sát thực địa là cơ sở để nhóm nghiên cứu thực hiện xét nghiệm phát hiện các tác nhân lưu hành trong quần thể véc-tơ truyền bệnh như virus dengue, Chikungunya, Zika, virus viêm não Nhật Bản, ký sinh trùng sốt rét…nhằm đề xuất và đưa ra các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

Tin bài: Trần Văn Trưởng/ Phòng Y sinh Nhiệt đới, CNPN