"Khát vọng Đại dương xanh": Nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
29/06/2022Nhân Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6), tối 28/6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Khát vọng Đại dương xanh”. Chương trình được tổ chức ở cấp quốc gia tại hai điểm cầu Hà Nội (Trường quay đa năng S1, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, số 165 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) và Khánh Hòa (Cảng quốc tế Cam Ranh).
Các đại biểu dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng Đại dương xanh” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy
Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Trị trở ra.
Các đại biểu dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng Đại dương xanh” tại điểm cầu Khánh Hòa. Ảnh chụp màn hình
Tại điểm cầu Khánh Hòa, tham dự có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế trở vào. Đặc biệt, tại điểm cầu Cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa còn có sự tham dự của các bà con ngư dân, đoàn viên thanh niên, học sinh trung học của tỉnh Khánh Hòa và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng quân đội, kiểm ngư trên địa bàn.
“Khát vọng Đại dương xanh” nhằm hun đúc tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tiềm năng đa dạng của biển, đảo Việt Nam, góp phần cùng bạn bè quốc tế bảo vệ, phục hồi môi trường biển.
Chương trình cung cấp những thông tin cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, khẳng định vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của loài người; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, với khát vọng muôn đời chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ hòa bình cho biển; cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ về bảo tồn, phục hồi và khai thác bền vững trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chương trình được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa giao lưu, gặp gỡ, phóng sự linh kiện và các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu với sân khấu, âm thanh, ánh sáng ấn tượng. Tại chương trình, ban tổ chức trình chiếu các phóng sự về tình yêu biển, đảo của người Việt Nam; tinh thần đoàn kết vươn ra biển lớn; quá trình nghiên cứu môi trường và sử dụng bền vững biển và đại dương; điển hình bảo vệ môi trường biển...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cầu truyền hình trực tiếp "Khát vọng Đại dương xanh" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có như cướp biển, buôn lậu; những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế; biến đổi khí hậu; việc khai thác tài nguyên biển quá mức; hệ sinh thái, môi trường biển bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa, thậm chí rác thải nhựa còn xuất hiện trong loài cá sống sâu nhất của đại dương…
Điều đó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư. Và đã bao lần đại dương "nổi giận" vì cách cư xử của loài người, bao loài sinh vật biển quý hiếm đã vĩnh viễn bỏ chúng ta, và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nhiều loài sẽ tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời.
"Đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc, mọi cộng đồng và mỗi người dân cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, hòa bình và phát triển bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự Chương trình
Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia.
Cùng với đó, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không; tuân thủ quy định về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên, các nguyên tắc của Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, là một quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương.
Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác.
Việt Nam sẽ thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương. Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, nhất là rác thải nhựa.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về biển và đại dương của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
"Hàng nghìn năm qua, biển đã gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và đời sống của nhân dân ta, mang lại nguồn lợi vật chất, làm giàu thêm bề dày văn hóa, tinh thần của người Việt. Càng yêu biển đảo quê hương bao nhiêu, chúng ta càng nâng cao ý thức và hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế vì một đại dương xanh, một đại dương hòa bình, một đại dương đoàn kết và phát triển, một đại dương nuôi dưỡng cuộc sống và làm đẹp tâm hồn mỗi người. Thủ tướng kêu gọi mọi người hãy hành động thật ý nghĩa để cảm ơn Mẹ thiên nhiên.
Trung tá Hoàng Thị Thuỳ Dương, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới – Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga giao lưu với chương trình.
Tại chương trình Trung tá Hoàng Thị Thuỳ Dương, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới – Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã tham gia giao lưu với chương trình:
Là một nhà nghiên cứu biển, điều trăn trở lớn nhất đối với đồng chí khi đối diện với biển cả là gì?
Chúng tôi là những nhà nghiên cứu biển, kết quả nghiên cứu của chúng tôi là những con số, đó là thành phần loài những yếu tố môi trường, mật độ như cá, động vật thân mềm, tôm…Đó là những con số về diện tích, độ che phủ của san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, những con số này là những con số biết nói và những con số biết nói này là niềm trăn trở của chúng tôi.
Như chúng ta đã biết, 3 hệ sinh thái quan trọng của biển, đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái san hô và hệ sinh thái thảm cỏ biển, chúng ta muốn biển Việt Nam giàu và đẹp, chúng ta muốn phát triển kinh tế biển xanh, điều tiên quyết chúng ta phải giữ được hệ sinh thái biển, cụ thể là chúng ta phải giữ được các rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trong thực tế nghiên cứu của chúng tôi, những con số chỉ ra rằng, những diện tích độ phủ của các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn đang biến động, nhưng phần lớn là những biến động tiêu cực. Chúng tôi là những nhà khoa học nghiên cứu biển, chúng tôi đưa ra những con số, những cơ sở dữ liệu về những giải pháp để hạn chế tác động đến hệ sinh thái và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chúng tôi mong muốn có sự chung tay của cả cộng đồng, các cấp chính quyền. Một bài học của chúng tôi là khi nghiên cứu rạn san hô của Hòn Yến, tỉnh Phú Yên. Năm 2019 chúng tôi đến nghiên cứu tại Hòn Yến, thì khi đó các con số về môi trường, các hệ sinh thái đang bị đe doạ và bị tác động lớn, các thảm cỏ biển, rạn san hô cùng với rác thải, bè nuôi trồng thuỷ sản. Sau 3 năm với sự chung tay của các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, sự vào cuộc của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và sự quyết liệt của chính quyền địa phương, thêm vào đó điều kiện tiên quyết nhất đó là sự vào cuộc của cộng đồng, những người dân ven biển, đây là điều quyết định, bởi vì biển gắn liền với đời sống của những người dân ven biển và đấy là trách nhiệm, quyền lợi của người dân ven biển. Chính vì thế chúng tôi mong muốn những nhà khoa học với cộng đồng, chính quyền địa phương chung tay để giữ lấy các hệ sinh thái biển.
Là một nữ khoa học đam mê nghiên cứu biển, đồng chí có gặp phải những khó khăn gì trong quá trình công tác của mình?
Công việc của chúng tôi rất khó khăn, thứ nhất là ngoài những yêu cầu về chuyên môn, chúng tôi cần phải có sức khoẻ, với công việc nghiên cứu biển, chúng tôi cần phải lặn biển và thời gian đi biển dài ngày. Đối với các khu vực nghiên cứu biển gần bờ thì chúng tôi có thể đi về bờ trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên đối với những vùng nghiên cứu xa bờ, chúng tôi phải trải qua điều kiện thời tiết thuận lợi, khó khăn như gió, bão thì chúng tôi vẫn phải ở trên biển, vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Đối với nam giới thì nhiệm vụ này cũng rất khó khăn rồi thì đối với nữ giới thì còn khó khăn hơn gấp bội.
Tuy nhiên với nhiệm vụ của mình, chúng tôi là những người lính, những nhà khoa học thì bất cứ nhiệm vụ nào chúng tôi cũng sẽ vượt qua, bởi vì đấy là trách nhiệm, tình cảm, là sự gắn bó của chúng tôi và hơn nữa là với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, hướng sinh thái nước rất nhiều nữ chứ không phải một mình bản thân tôi. Vậy thì vì sao các bạn ấy có thể làm được mà tôi không làm được, các bạn ấy làm được thì tôi sẽ làm được.
Trong quá trình công tác sẽ có rất nhiều những kỷ niệm, thì kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với đồng chí?
Nếu nói về kỷ niệm lớn nhất thì tôi thấy, thực sự khi nghiên cứu biển thì tôi rất muốn nghiên cứu biển ở Trường Sa, thực sự là tôi rất yêu biển Trường Sa. Rất nhiều năm nay chúng tôi đi nghiên cứu biển ở Trường Sa, năm nào tôi cũng đi 2 chuyến thường kéo dài từ 1 đến vài tháng, mỗi năm chúng tôi đều trải qua cái nắng, cái gió, bão ở Trường Sa rồi chúng tôi mới có thể yên tâm để công tác được. Thế nên khi mà tôi đến với Trường Sa có 2 vấn đề, vấn đề thứ nhất là các rạn san hô ở Trường Sa rất đặc trưng về phân bố, thành phần loài, còn một điều nữa mà tôi muốn đến Trường Sa đấy chính là điểm tựa.
Kỷ niệm lần đầu tiên ra Trường Sa đó là chúng tôi có gặp bão rất lớn, khi đó chúng tôi cảm thấy tàu đã ngang mặt sóng rồi, sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, việc đầu tiên là tôi chạy ra mạn trái, rồi chạy ra mạn phải của tàu thì cảm xúc oà trong tôi đấy là tôi đã nhìn thấy đảo, lúc đấy tôi chợt nghĩ rằng cái cảm xúc của tôi có phải là cảm xúc của những ngư dân vươn xa bám biển, bởi vì họ nhìn thấy đảo có nghĩa là họ nhìn thấy một nơi nương tựa, khi đó đảo không chỉ là một nơi của chủ quyền biển đảo Việt Nam nữa mà đảo là nơi nương tựa của những người vươn xa bám biển và trong đó có chúng tôi.
Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tặng các trường tiểu học và trung học cơ sở 2 huyện duyên hải Hà Tĩnh và Quảng Ninh, mỗi huyện 15 bộ ảnh đẹp về biển Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng tại chương trình, các đơn vị, tổ chức tặng 2.000 áo phao cứu sinh, 500 chiếc đèn pin, 20.000 lá cờ Tổ quốc, 2.000 ảnh Bác Hồ động viên các ngư dân vươn khơi bám biển; các đơn vị cũng tặng những bộ ảnh về biển, đảo Việt Nam cho các trường học, góp phần hun đúc tình yêu biển, đảo cho học sinh./.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng ngư dân tỉnh Quảng Bình 1.000 cờ Tổ quốc và 1.000 áo phao cứu sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tặng cờ và ảnh Bác Hồ cho ngư dân.
Tặng phao cứu sinh cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Theo mattran.org.vn
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ