Kiểm tra thực địa tình hình thực hiện đề tài về phục hồi rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai

26/07/2024

Trong khuôn khổ nội dung kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024, ngày 20/7, Đoàn công tác của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga do đồng chí Đại tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khoa học là trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu giải pháp phục hồi rừng tự nhiên trên cơ sở tiếp cận cảnh quan tại khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai” do Thiếu tá, TS. Trần Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm.

Tham gia thành phần đoàn có đại diện Phòng Kế hoạch khoa học. Báo cáo và làm việc với Đoàn công tác, về phía Viện Sinh thái nhiệt đới có đồng chí Đại tá, GS.TS. Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng; Thủ trưởng và cán bộ nghiên cứu Phòng Sinh thái Môi trường quân sự cùng nhóm thành viên thực hiện đề tài.

Sau khi làm việc tại trụ sở Trạm nghiên cứu của Trung tâm, Đoàn kiểm tra đã cơ động đến hiện trường mô hình thử nghiệm phục hồi rừng thuộc thôn Hà Lâm (tiểu khu 44, Khu BTTN Kon Chư Răng cách trụ sở trên 20 km và thôn Trạm Lập (tiểu khu 46, Công ty TNHH MTV Lâm trường Trạm Lập).

Tại hiện trường tiểu khu 44, thay mặt nhóm thực hiện đề tài, đồng chí KS. Nguyễn Hữu Hiệp đã báo cáo kết quả thực hiện đề tài tính tới kỳ báo cáo. Theo đó, mô hình phục hồi rừng tự nhiên theo các phương thức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp với trồng bổ sung được thực hiện tại 2 địa điểm thôn Hà Lâm (tiểu khu 44, Khu BTTN Kon Chư Răng, 14 ôtc 2.500 m2) và thôn Trạm Lập (tiểu khu 46, Công ty TNHH MTV Lâm trường Trạm Lập, 6 ôtc 2.500 m2), với tổng diện tích 5 ha.

Tại tiểu khu 44, Đoàn đã kiểm tra thực tế mô hình khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung các loài cây lâm nghiệp bản địa đa mục đích gồm: Giổi xanh (Michelia mediocris), Xoan đào (Prunus arborea), Giổi nhiều hoa (Michelia florabanda), Trắc (Dalbergia cochinchinensis) theo 4 nghiệm thức: (1) Trồng hỗn loài theo băng, bón thúc định kỳ 2 lần/năm; Loài trồng bổ sung: Giổi xanh, Trắc. Phát luỗng theo băng 5m; (2) Trồng hỗn loài theo băng và đám, bón thúc định kỳ 1 lần/năm; Loài được trồng bổ sung: Giổi nhung, Giổi xanh, Trắc, Xoan đào. Phát luỗng theo băng rộng 8 m, theo đám cách 10m; (3) Trồng hỗn loài theo băng, không bón phân. Loài được trồng bổ sung: Giổi nhung, Giổi xanh, Trắc, Xoan đào. Phát luỗng theo băng rộng 10 m; (4) Không tác động (đối chứng - chỉ khoanh nuôi, bảo vệ). Sau 9 tháng trồng bổ sung, kết quả quan trắc sơ bộ cho thấy, tỷ lệ cây sống trung bình đạt 92,4%. Trong đó, loài Trắc có tỷ lệ sống cao nhất đạt 96,8%, tiếp đến là Giổi nhung 93,4% và Giổi xanh, Xoan đào đạt 89,7%. Một số cây Giổi xanh và Xoan đào được ghi nhận bị chết khô, hoặc trơ gốc. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và tiến hành các biện pháp quây nilon bảo vệ gốc hoặc rắc thuốc mối quanh gốc nhằm phòng khả năng cây bị động vật gặm nhấm hoặc Mối cắn và sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng của cây trồng bổ sung trong mô hình. Đồng thời, nhóm cũng tiến hành xây dựng kế hoạch trồng dặm bổ sung vào đợt chăm sóc, quan trắc mô hình tháng 9 tới.

Tại tiểu khu 46, Công ty TNHH MTV Lâm trường Trạm Lập, Đoàn kiểm tra mô hình phục hồi theo phương pháp Miwayakii. Nguồn giống được cung cấp bởi kết quả của đề tài thuộc Chương trình KH&CN được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt, mã số E-1.6: “Phát triển công nghệ tạo cây giống những loài cây chủ đạo của rừng nguyên sinh Việt Nam làm cơ sở giải quyết các vấn đề khoa học cơ bản về phục hồi rừng nhiệt đới” cũng do đồng chí TS. Trần Thị Thanh Hương là đồng chủ nhiệm đề tài. Mô hình được thử nghiệm với 300 cây con có chiều cao từ 25-50 cm, cùng tuổi, thuộc 10 loài: Phân mã (Archidendron balansae), Quế (Cinnamomum meirei), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus), Vạng trứng (Endospermum chinensis), Xoan nhừ (Choerospondias auxillaris), Ô dược (Lindera sp.), Sồi (Lithocarpus fissa), Mộc lan (Magnolia meliocris), Chôm chôm rừng (Nephelium cuspidatum), Trâm (Syzygium). Cây được trồng với mật độ 20.000 cây/ha trên diện tích 150 m2. Kết quả đánh giá sơ bộ lần 1 sau 3 tháng trồng (tháng 2/2024) cho thấy, tỷ lệ cây sống đạt 98%, mức tăng trưởng cao nhất là các loài: Bạch tùng - 18,8cm, Ô dược - 13,8cm và Xoan nhừ - 11cm, mức tăng tối thiểu - 2,5cm hoặc ít hơn được ghi nhận ở loài Vạng trứng và Sồi phẳng.

Đoàn công tác đã đặt các câu hỏi để nhóm nghiên cứu giải trình, làm rõ thêm về tỷ lệ cây sống, chất lượng sinh trưởng cây trồng bổ sung. Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Trưởng đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện đề tài. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn về thời tiết, khoảng cách để triển khai mô hình đúng tiến độ, đạt được kết quả tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo thuyết minh được phê duyệt.

Để mô hình được tiếp tục thực hiện với kết quả tốt, đồng chí Trưởng đoàn công tác yêu cầu chủ nhiệm và nhóm thực hiện đề tài: 1) Tiếp tục theo dõi quá trình phát sinh, phát triển của các loài trồng bổ sung, cũng như các loài tái sinh tự nhiên trong mô hình. Ghi chép đầy đủ số liệu, có đánh giá, nhận xét về kết quả, nhất là bàn luận về tỷ lệ sống, tăng trưởng của từng loài tại mỗi nghiệm thức trồng bổ sung... 2) Có phương án trồng dặm thay thế cây đã chết tại các nghiệm thức; 3) Xây dựng kế hoạch sử dụng cây giống tại vườn ươm Trạm nghiên cứu quan trắc sinh thái và đa dạng sinh học để mở rộng mô hình phục hồi rừng theo phương pháp Miwayakii tại tiểu khu 46, theo dõi, đánh giá mô hình./.

Một số hình ảnh ảnh của Đoàn công tác tại hiện trường:

Đoàn công tác kiểm tra mô hình phục hồi rừng bằng phương pháp Miwayakii tại Tiểu khu 46.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam - Trưởng đoàn kiểm tra trao đổi với đại diện nhóm nghiên cứu.

Kiểm tra vườn ươm cây lâm nghiệp bản địa tại Trạm nghiên cứu, quan trắc sinh thái và đa dạng sinh học TTNĐ Việt - Nga tại khu BTTN Kon Chư Răng.

Hình ảnh cây lâm nghiệp bản địa được trồng tại mô hình phục hồi rừng.

Tác giả: Nguyễn Hữu Hiệp (Viện Sinh thái Nhiệt đới)