Lễ ký kết biên Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Phú Yên
12/06/2022Chiều ngày 11/6/2022, tại Thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và UBND tỉnh Phú Yên đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Phú Yên và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2024(sau đây gọi là Kế hoạch phối hợp). Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ký kết thỏa thuận này.
Tham dự và chứng kiến Lễ ký kết có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên; đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện các cơ quan của tỉnh Phú Yên.
Quang cảnh hội nghị.
Theo Kế hoạch phối hợp được ký kết, hai bên thảo luận và quyết định các nội dung cụ thể, phù hợp với các thủ tục hiện hành và những ưu tiên chiến lược của các bên, đặc biệt tập trung vào các vấn đề về: Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô khu vực Hòn Nưa, thị xã Đông Hòa; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên để xây dựng bộ dữ liệu phục vụ lập hồ sơ để thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Đèo Cả - Hòn Vọng Phu; Nghiên cứu đặc điểm cảnh quan và sinh thái phục vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường lưu vực Sông Hinh; Xây dựng bộ tài liệu về cảnh quan, sinh thái tỉnh Phú Yên.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Phú Yên có đường bờ biển dài 189 km với địa hình bờ biển đa đạng, có nhiều vùng, vịnh, đảo và cụm đảo gần bờ. Vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh có trên 34.000 km, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 60.000 tấn với nhiều loại thủy sản có giá trị. Ngành kinh tế thuần biển đã đóng góp từ khoảng 8-10% GRDP của tỉnh. Đến nay, khu vực ven biển Phú Yên đã hình thành 05 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%. Tỉnh Phú Yên đã ban hành chương trình hành động ngày 26/3/2019 triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển của tỉnh. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu vực hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo... Từng bước tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong cảnh bảo, giám sát động đất, sóng thần, bão lũ; quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo của tỉnh.
Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát biểu tại Lễ ký kết.
Tham dự tại buổi làm việc của Ban giám sát Ban Kinh tế Trung ương với Tỉnh ủy Phú Yên và tại lễ ký kết, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã có bài phát biểu quan trọng. Tổng Giám đốc cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở Việt Nam, Liên bang Nga và trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khảo thực địa, từ đó ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu theo Kế hoạch hợp tác. Tuy vậy, trong 2 năm qua Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tổ chức được 6 chuyến khảo sát thực địa với trên 40 lượt cán bộ khoa học tham gia.
Trước đó, tỉnh Phú Yên đã đặt vấn đề với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về nghiên cứu, khảo sát hệ sinh thái rạn san hô, qua đó cho thấy được mức độ đa dạng khá cao về chủng loại của hệ sinh thái rạn san hô, tuy nhiên hiện nay khả năng bị xâm hại cũng khá nghiêm trọng. Do vậy, tỉnh Phú Yên mong muốn có sự hợp tác lâu dài với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để giúp tỉnh bảo tồn được rạn san hô, cảnh quan và các hệ sinh thái biển của tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, các đại biểu đoàn giám sát và lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Phú Yên và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2024.
Chiều cùng ngày, tại Công viên Văn hóa đá thuộc khu vực Quảng trường Tháp Nghinh Phong, đường Độc Lập (TP Tuy Hòa), UBND tỉnh tổ chức lễ trồng cây hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Phú Yên.
Trước đó, ngày 3/6, tỉnh cũng đã triển khai trồng rừng ngập mặn tại khu vực đầm Ô Loan (thôn Tân Hòa, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) với 300 cây bần và 200 cây đước. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ trồng cây hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đào Việt Nam năm 2022 với sự tham gia của Thủ trưởng TTNĐ Việt - Nga, thủ trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới/TTNĐ Việt - Nga:
Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cùng Bà Cao Thị Hòa An - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên tham gia trồng cây tại buổi lễ.
Đồng chí Đại tá, PGS, TS Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới/TTNĐ Việt - Nga cùng đồng chí Nguyễn Đình Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia trồng cây tại buổi lễ. Ảnh: VÕ PHÊ
Tin, ảnh: Văn Diện(Phòng TTKHQS)
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ