TextBody

Lịch sử hình thành

Lễ ký biên bản Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt- Xô (15/12/1987)

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) (trước đây là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Thử nghiệm Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Xô) được thành lập theo Nghị định số 25/HĐBT ngày 07/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN) Việt Nam trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trong việc hợp tác xây dựng công trình đặc biệt trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam ký ngày 07 tháng 3 năm 1987. Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga có quy chế hoạt động của một tổ chức khoa học (khoa học - công nghệ) hợp tác cấp liên Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, hoạt động phù hợp với luật pháp nước CHXHCN Việt Nam, Hiệp định, các Nghị định thư, cũng như các Điều ước quốc tế khác có hiệu lực trong mối quan hệ giữa hai nhà nước CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga.

Lễ ký Nghị định thư bổ sung Hiệp định về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga giữa Thứ trưởng BQP Việt Nam Bế Xuân Trường và Thứ trưởng thứ nhất Bộ KH&ĐH Nga G.V Trubnikov (7/9/2018)

Từ khi thành lập đến nay, hai Chính phủ Việt Nam – Liên Xô (sau này là Liên bang Nga) đã 04 lần ký Nghị định thư bổ sung Hiệp định vào các năm 1989, 1993, 2004 và 2018. Theo Nghị định thư bổ sung ký ngày 11/11/1993, Liên bang Nga kế thừa Liên Xô trong việc thực hiện các trách nhiệm ghi trong Hiệp định ký ngày 07/3/1987, đổi tên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Thử nghiệm Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Xô thành Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt- Nga.

Cơ quan chủ quản của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga: Về phía Việt Nam là Bộ Quốc phòng; Về phía Nga là Bộ Khoa học và Đại học LB Nga. Lãnh đạo hoạt động hỗn hợp Việt - Nga của Trung tâm là Ủy ban Phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, gồm Phân ban Việt Nam và Phân ban Nga. Tham gia Phân ban Việt Nam có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Tham gia Phân ban Nga có đại diện Bộ Khoa học và Đại học LB Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Bộ Ngoại giao..và các cơ quan, tổ chức khác tương ứng.