<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Liên hiệp quốc thông qua văn bản về thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương

05/03/2023

Sau nhiều năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cuối cùng đã đạt được đồng thuận về một hiệp ước đại dương mang tính lịch sử.

(Hình minh họa).

Đây là hiệp ước đầu tiên đưa ra những cam kết trong việc bảo vệ đại dương, một kho báu quan trọng bao phủ gần một nửa hành tinh của chúng ta, đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của trên 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do LHQ chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.

Hiệp ước mới này sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế, nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Hiệp ước cũng buộc các quốc gia phải đánh giá tác động của các hoạt động được đề xuất trên đại dương đối với môi trường.

Tâm điểm gây căng thẳng trong quá trình đàm phán là việc chia sẻ lợi ích tiềm năng của các nguồn tài nguyên biển mới được phát hiện. Các nước đang phát triển, không có phương tiện để chi trả cho các nghiên cứu tốn kém, đã đấu tranh để được hưởng lợi từ quá trình thương mại hóa các chất tiềm năng được phát hiện trong vùng biển quốc tế. Lợi nhuận cuối cùng có thể đến từ các sản phẩm như dược phẩm, hóa chất hoặc mỹ phẩm.

LHQ thông qua văn bản về thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương - Ảnh 1.

(Ảnh: Gulf News)

Trong một động thái được coi là nhằm xây dựng lòng tin giữa các nước giàu và các nước đang phát triển, Liên minh châu Âu đã cam kết tài trợ 40 triệu Euro để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn hiệp ước đại dương và sớm đưa vào triển khai.

Dù văn bản chính thức chưa được công bố nhưng các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất nhưng biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.

Nguồn:https://vtv.vn/the-gioi/lhq-thong-qua-van-ban-ve-thoa-thuan-lich-su-bao-ve-dai-duong-20230305134332498.htm