<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Loài cóc núi đặc hữu của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng

17/02/2022

Cóc mày mắt to, loài hiếm chỉ tìm thấy ở Việt Nam được đánh giá có nguy cơ tuyệt chủng cao do phân bố ở phạm vi hẹp thuộc tỉnh Phú Yên, Đắk Lăk và Khánh Hòa.

Cóc mày mắt to có tên khoa học là Leptobrachella macrops được TS. Dương Văn Tăng, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phát hiện năm 2018 tại tỉnh Phú Yên. Loài cóc hiếm này được đánh giá có nguy cơ tuyệt chủng cao (nguy cấp EN, IUCN). Hiện các nhà khoa học chỉ tìm thấy loài này ở Việt Nam, trên thế giới chưa ghi nhận.

Loài này có kích thước cơ thể nhỏ chỉ từ 28 - 30,3 mm sống ở trên khu vực có độ cao vừa, từ 471 - 630m so với mực nước biển. Chúng có đặc điểm nổi bật là mắt lớn hơn so với các loài cùng nhóm, có màng bơi giữa các ngón chi trước và chi sau. Cóc mày mắt to có mắt màu xanh vàng, lưng có những đốm nâu sẫm, bụng màu xám pha lẫn tím.

Cóc mày mắt to (L. macrops). Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Các cuộc khảo sát được nhóm nghiên cứu của TS. Tăng thực hiện tại các khu rừng thuộc huyện Sông Hinh (Phú Yên) và khu vực lân cận từ năm 2015 - 2021. Kết quả cho thấy, loài chỉ có phạm vi phân bố khoảng 706,5 km2 tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Phú Yên, Đắk Lăk và Khánh Hòa. Sự phân bố trên một phạm vi nhỏ mang tính đặc hữu vi mô là một trong những yếu tố đe dọa sự tuyệt chủng.

"Nếu sinh cảnh hiện tại bị phá hủy sẽ không còn những quần thể ở nơi khác để phục hồi. Sự tuyệt chủng của loài sẽ làm mất một nguồn gene quý hiếm mà sự tiến hóa hàng chục triệu năm mới có thể tạo ra được", TS. Tăng nói. Loài này có kích thước cơ thể nhỏ nên ít khả di cư sang các khu vực khác, khó đi được xa. Ông cho biết thêm, hiện nay môi trường sống của cóc mày mắt to không được bảo vệ, chỉ một phần nhỏ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Eo Sô của tỉnh Đắk Lắk.

Hiện các khu rừng nhiệt đới đang bị đe dọa nghiêm trọng do khai thác gỗ và các hoạt động khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của loài cóc này.

TS. Tăng cho hay, các chính sách bảo vệ rừng là một trong những biện pháp quan trọng giúp bảo tồn loài. Loài được phát hiện gần đây nhất của nhóm là cóc mày Leptobrachella applebyi.

Theo Như Quỳnh (http://vnexpress.net)