Một số loài chim đặc hữu của việt nam phân bố tại vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
03/08/20211. Khướu ngực Hồng - Orange-breasted Laughingthrush
Loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Kim oanh – Leithrichidae. Tên khoa học: Garrulax annamensis (Robinson & Kloss, 1919). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 25–27 cm. Đặc điểm nhận dạng, thông thường chim có phần lưng màu nâu vàng, phía trên mắt có một sọc màu vàng cam, họng màu đen, phần ngực có các dải màu đen trên nền màu vàng cam. Giọng hót lớn vang.
Là loài chim đặc hữu của Việt Nam. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, các bìa rừng, rừng thứ sinh, và các rừng bị khai thác trống. Phân bố ở độ cao từ 900m đến 1.500 m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo cặp hoặc đàn từ 3 đến 5 cá thể. Thức ăn và sinh sản của loài này còn ít được nghiên cứu. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN cấp độ LC
2. Khướu đầu đen má xám - Collared Laughingthrush
Là loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Kim oanh – Leithrichidae. Tên khoa học là Trochalopteron yersini (Robinson & Kloss, 1919). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 26–28 cm. Đặc điểm nhận dạng: Chim trưởng thành đầu đen, họng và má xám bạc, ngực phần trên bụng, vòng cổ và lưng trên màu nâu vàng. Cánh màu vàng ô liu với lông bao cánh màu đen; đuôi nâu ô liu với mép gốc đuôi vàng, phần còn lại trên cơ thể màu xám, dưới bụng và lông bao dưới đuôi màu nâu. Giọng hót lớn vang.
Là loài chim đặc hữu của Việt Nam. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao lá rộng lá kim. Phân bố ở đai độ cao từ 1.500m đến 2.450m m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo cặp hoặc đàn từ 3 đến 5 cá thể. Thức ăn và sinh sản của loài này còn ít được nghiên cứu, các con non thường gặp từ tháng 4 đến tháng 6. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ EN.
3. Khướu mỏ dài - Indochinese Wren Babbler
Là loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Kim oanh – Leithrichidae. Tên khoa học: Napothera danjoui (Robinson & Kloss, 1919). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 22–24 cm. Đặc điểm nhận dạng Mỏ dài, cong màu xám lẫn xanh vàng; họng, ngực trên và bụng trắng; ngực nâu hung với vạch và điểm màu hung vàng; hai bên cổ nâu hung; trên lưng có một vài vạch. Mỏ xám sừng. Chân màu nâu hồng.
Là loài chim đặc hữu của Việt Nam không phổ biến tại vùng phan bố. Sinh cảnh sống: Dưới tán rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, nơi có nhiều tre, nứa, đặc biệt là nơi có nhiều đá. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ NT.
4. Khướu hông đỏ Việt Nam - Vietnamese Cutia
Loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Kim oanh – Leithrichidae. Tên khoa học: Cutia legalleni (Robinson & Kloss, 1919). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 17– 19 cm. Đặc điểm nhận dạng, Chim trưởng thành phần trên đầu và gáy màu đen, Lưng và hông màu đỏ nâu. Bụng có nhiều dải đen trên nền lông trắng xám. Cánh và bao cánh có màu đen, bạc. Họng màu trắng. Giọng hót có độ lớn cao, vang.
Đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam và Lào. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao lá rộng lá kim. Phân bố ở đai độ cao từ 1.200m đến 2.100 m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo cặp hoặc đàn từ 4 đến 6 cá thể. Thức ăn chủ yếu là côn trùng, hạt và các loài quả mọng, sinh sản và các con non thường gặp từ tháng 4 đến tháng 6. Nằm trong sách đỏ của BirdLife International, cấp độ NT.
5. Họa mi Langbian - Grey-crowned Crocias
Là một loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Kim oanh – Leithrichidae. Tên khoa học là Laniellus langbianis (Gyldenstolpe, 1939). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 22cm. Đặc điểm nhận dạng: Mặt lưng lông có màu xám, mặt bụng màu trắng nhạt với những vạch màu đen ở hông và sườn. Mặt màu đen, phần đỉnh đầu và gáy màu xám xen kẽ các vạch trắng. Cánh có màu xám xen kẽ với màu trắng, đen. Phần hông và lông đuôi màu nâu đỏ, mút đuôi màu trắng.
Đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam, được ghi nhận tại Cao nguyên Đà Lạt và một số vùng phụ cận. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh trên núi. Phân bố ở đai độ cao từ 900m đến 1.500m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo cặp hoặc đàn từ 3 đến 5 cá thể, cũng có khi gặp cá thể đơn lẻ kiếm ăn cùng với một số loài chim khác. Thức ăn chủ yếu là các loài côn trùng, Ghép đôi và sinh sản vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Quần thể thường với số lượng ít, nhút nhát. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ EN.
6. Sẻ thông họng vàng – Vietnamese Greenfinch
Loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Sẻ thông – Fringillidae. Tên khoa học là Chloris monguilloti (Delacour, 1926). Kích thước 13-14 cm, màu lông vàng và đen. Chim trống có lưng màu đen, hông và lông bao trên đuôi màu vàng, toàn bộ mặt dưới màu vàng, ngực và sườn có vệt màu đen, mỏ màu hồng. Chim mái có màu lông nhạt hơn, hơi xám, vạch ở ngực và bụng màu nâu tối. Chim non màu nhạt hơn chim mái
Đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam, Sẻ thông họng vàng chỉ phân bố ở vùng núi cao thuộc tỉnh Lâm Đồng. phân bố ở độ cao từ khoảng 1.000 đến 2.000m. Thường chỉ gặp trong các vùng rừng thông thưa thớt và khu vực trồng trọt của các khu dân cư sinh sống xung quanh đó. Sống định và làm tổ, kiếm ăn theo đàn nhỏ. Thời gian sinh sản trong khoảng thời gian từ tháng 12 - 5 năm sau. Tổ làm trên cành thông, hình chén. Thức ăn và sinh sản của loài này chủ yếu là các loại hạt và côn trùng. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ NT.
7. Khướu mỏ quặp mày trắng - White-browed Shrike Babbler
Loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Vireonidae. Tên khoa học là Pteruthius flaviscapis (Temminck, 1835). Kích thước chim cỡ trung bình với chiều dài khoảng 16 – 17,5cm. Đặc điểm nhận dạng, phần dưới có lông màu trắng, hông có mầu nâu hạt dẻ, lưng màu xám bạc. Đầu cò màu đen với một dải trằng lớn chạy từ mắt tới gáy. Đuôi màu đen. thông thường chim có phần lưng màu nâu vàng, phía trên mắt có một sọc màu vàng cam, họng màu đen, phần ngực có các dải màu đen trên nền màu vàng cam. Giọng hót lớn vang với nhịp điệu vui vẻ.
Đây là loài chim có 4 phân loài trong đó phân loài ở Đà lạt là phân loài đặc hữu của Việt Nam (Dalat Shrike Babbler –Pteruthius annamensis). được ghi nhận tại Cao nguyên Đà Lạt. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao là rộng lá kim, thường phân bố trên độ cao từ 700 đến 2.500m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo cặp hoặc đàn nhỏ. Thức ăn và sinh sản của loài này còn ít được nghiên cứu. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ LC.
8. Lách tách gáy đen - Black-crowned Fulvetta
Là một loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Chuối tiêu - Pellorneidae. Tên khoa học là Schoeniparus klossi (Delacour & Jabouille, 1919). Kích thước chim cỡ nhỏ với chiều dài khoảng 12 – 12,5cm. Đặc điểm nhận dạng, thông thường chim có phần lưng màu nâu vàng, phía trên mắt có một sọc màu vàng cam, họng màu đen, phần ngực có các dải màu đen trên nền màu vàng cam. Giọng hót dài, mỏng, chói tai.
Đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam, được ghi nhận tại Cao nguyên Đà Lạt. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, các bìa rừng, rừng thứ sinh, và các rừng bị khai thác trống. Phân bố ở đai độ cao từ 1.500 đến 2.100m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, nhút nhát, sống thường theo đàn, di chuyển nhanh trong các tầng lá giữa và gần mặt đất. Thức ăn chủ yếu là các loại động vật không xương sống. Cặp đôi và sinh sản của loài này còn ít được nghiên cứu. Nằm trong sách đỏ của BirdLife International cấp độ LC.
9. Phân loài hút mật bụng vàng Đà lạt - Aethopyga gouldiae annamensis
Là một loài chim thuộc bộ Sẻ - Passeriformes, họ Hút mật - Nectariniidae. Tên khoa học là Aethopyga gouldiae (Vigors, 1831). Kích thước chim cỡ nhỏ với chiều dài khoảng 11 – 16cm. Đặc điểm nhận dạng, Màu lông chủ đạo gồm vàng và đỏ. Đỉnh đầu màu xanh, họng màu đỏ, bụng màu vàng tươi.
Đây là loài chim có phân loài trong đó phân loài ở Đà lạt là phân loài đặc hữu của Việt Nam (Aethopyga gouldiae annamensis). được ghi nhận tại Cao nguyên Đà Lạt. Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao là rộng lá kim, thường phân bố trên độ cao từ 1000 đến 2500m so với mực nước biển. Là loài chim định cư, sống thường theo cặp hoặc đàn nhỏ. Thức ăn chủ yếu là các loại mật hoa, nhện và một số loài côn trùng khác. Ghép đôi và sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8, tổ hình quả lê hoặc hình bầu dục kích thước khoảng 14-17cm. Nằm trong Danh lục đỏ IUCN, cấp độ LC.
Bài và ảnh: ThS. Phạm Hồng Phương/Viện Sinh thái nhiệt đới
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ