Một vài dẫn liệu mới về động vật có vú trong thế Pleitôxen từ hang Làng Tráng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
18/06/2021Hang Làng Tráng nằm ở gần thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, hang đã được các nhà khảo cổ học và cổ sinh vật học của 3 đoàn khảo sát quốc tế (Việt Nam - Hà Lan, Việt Nam - Hoa Kỳ) nghiên cứu và phát hiện được 25 đơn vị phân loại động vật có vú, cùng các mẫu răng của người và vượn người.
Tháng 3 năm 2020, đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật học/Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Sinh thái Nhiệt đới/Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã tiến hành khảo sát hang Làng Tráng. Trong quá trình khai quật, đã thu thập được nhiều mẫu vật (chủ yếu là răng) khác nhau của các loài động vật có vú trong trầm tích Pleitôxen muộn, có tuổi khoảng 80 - 100 nghìn năm.
Các thành viên của đoàn khảo sát và cán bộ, người dân địa phương
Kết quả phân tích, đã xác định được 19 loài động vật có vú thuộc 7 bộ. Trong đó, bộ linh trưởng ghi nhận được 4 loài (đười ươi Pongo sp., Voọc Trachypithecus sp., khỉ đuôi lợn Macaca cf. nemestrina (Linnaeus, 1766) và Macaca sp.); bộ ăn thịt có 2 loài (lợn lửng Arctonyx collaris rostratus Matthew et Granger, 1923 và hổ Panthera sp.); bộ dơi có 1 loài (Ia io Thomas, 1902); bộ gậm nhấm có 1 loài (nhím lớn Hystrix kiangsenensis Wang, 1931); bộ có vòi có 1 loài (voi Elephas sp.); bộ guốc lẻ có 2 loài là heo vòi Tapirus indicus (Desmarest, 1819) và tê giác hai sừng Dicerorhinus sumatrensis (Fischer, 1814) và bộ guốc chẵn phát hiện được 8 loài, gồm lợn rừng Sus scrofa Linnaeus, 1758, lợn râu borneo Sus barbatus Müller, 1838, cheo cheo nam dương Tragulus kanchil (Raffles, 1821), hươu nước Hydropotes inermis Swinhoe, 1870, mang thường Muntiacus muntjak (Zimmermann, 1780), hươu vàng Axis porcinus (Zimmermann, 1780), nai Rusa unicolor (Kerr, 1792), sơn dương Capricornis sumatraensis (Bechstein, 1799).
Răng của loài đười ươi Pongo sp. thu được tại hang Làng Tráng
So với kết quả nghiên cứu trước đây, các loài dơi Iô, cheo cheo nam dương, lợn râu borneo, hươu nước và hươu vàng là những loài lần đầu tiên được ghi nhận cho khu hệ động vật ở hang Làng Tráng. Trong số những loài mới được ghi nhận, loài lợn râu hiện nay chỉ còn sống ở bán đảo Malacca, các đảo Sumatra và Kalimantan; loài hươu nước sống ở Hàn Quốc và phía Đông Trung Quốc, tại Đông Nam Á đây là lần đầu tiên phát hiện được các di vật của loài này. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trước đây, xác định loài đười ươi ở hang Làng Tráng là phụ loài Pongo pygmaeus ciochoni với các đặc trưng riêng như răng to và đặc điểm cấu tạo phía trước của răng cửa hàm trên. Tuy nhiên, loài đười ươi mới được phát hiện có mức độ đa hình cao, vì vậy tình trạng phân loại của nó cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
Răng của các loài thuộc bộ guốc chẵn mới ghi nhận được tại hang Làng Tráng (phía trên, bên trái - loài lợn râu borneo Sus barbatus; bên phải, hàng thứ hai - loài cheo cheo nam dương Tragulus kanchil; hàng thứ ba - loài hươu nước Hydropotes inermis; phía dưới - loài hươu vàng Axis porcinus)
Nhìn chung, kết quả thu được đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các giai đoạn tiến hóa sơ khai của khu hệ động vật và môi trường tự nhiên của Việt Nam trong thế Pleitôxen muộn.
Mảnh xương hàm dưới của loài dơi Ia io thu được tại hang Làng Tráng
Nguồn tài liệu: Lopatin A.V., Mashchenko E.N., Vislobokova I.A., Serdyuk N.V, Le Xuan Dac, 2021. Pleistocene mammals from the Lang Trang cave (Vietnam): new data, Doklady Biological Sciences, 496: 5-9
Bài và ảnh: Lê Xuân Đắc/Viện STNĐ
Bài viết liên quan
Khoa học & công nghệ