TextBody

Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Trung tâm về ứng dụng công nghệ phun phủ nhiệt để phục hồi trục khuỷu động cơ xe thiết giáp M-113

14/10/2022

Ngày 12 tháng 10 năm 2022, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Trung tâm “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phun phủ nhiệt để phục hồi, nâng cao tuổi thọ làm việc trục khuỷu động cơ xe thiết giáp M-113”, do đồng chí Trung tá, TS. Ngô Thanh Bình làm chủ nhiệm, Chi nhánh Phía Nam là đơn vị chủ trì, phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài Quân đội thực hiện.

Phần lớn vũ khí khí tài có trong biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ Liên Xô (LB Nga), Trung Quốc… bên cạnh đó cũng còn một lượng đáng kể các trang thiết bị thu được của Việt Nam Cộng hòa. Đặc điểm chung của những loại khí tài này là ít nhất đã có hơn 50 năm phục vụ và hằng năm nhu cầu cần bảo dưỡng, đại tu và thay thế rất lớn. Tuy nhiên, năng lực sửa chữa, nâng cấp các loại khí tài nói trên còn nhiều hạn chế do thiếu phụ tùng thay thế, đặc biệt là đối với các loại đặc chủng có nguồn gốc từ Mỹ, ảnh hưởng rất lớn đến tính chủ động trong bảo đảm kỹ thuật cho Quân đội.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Khảo sát tại Xí nghiệp Tăng Thiết giáp/XNLH Z751 - đơn vị đang thực hiện sửa chữa xe thiết giáp chở quân M-113 cho toàn quân, các xe khi đưa vào sửa chữa thường hư hỏng nặng, động cơ xe thường phải đại tu. Động cơ xe hỏng chủ yếu do trục khuỷu bị xước và mài mòn tại vị trí cổ trục và cổ biên. Trục khuỷu là một trong 3 thành phần cơ bản của cơ cấu trục khuỷu thanh truyền (gồm piston, thanh truyền và trục khuỷu), có chức năng nhận lực truyền từ thanh truyền do chuyển động tịnh tiến của piston thành chuyển động quay. Trục khuỷu sau đó lại được gắn liền với các hệ thống dẫn động khác tạo nên một động cơ hoàn chỉnh. Vì vậy, trục khuỷu là chi tiết rất quan trọng trong động cơ, quyết định đến khả năng vận hành của xe. Với trình độ khoa học và công nghệ trong nước còn nhiều hạn chế, việc chế tạo mới trục khuỷu gặp nhiều khó khăn, do đó, việc nghiên cứu, đề xuất một công nghệ mới có khả năng phục hồi được các cổ trục khuỷu động cơ là rất cấp thiết, mang lại lợi ích an ninh quốc phòng to lớn, là tiền đề để nghiên cứu áp dụng cho các loại xe máy quân sự khác của Quân đội.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công Quy trình công nghệ phục hồi trục khuỷu động cơ xe M-113 bằng công nghệ phun phủ plasma khí quyển, sử dụng trang thiết bị hiện có của Xí nghiệp Tăng Thiết giáp. Kết quả thử nghiệm của 05 trục khuỷu được phục hồi là sản phẩm của đề tài trên băng kéo tải chuyên dụng và chạy thử nghiệm 50 km tại Trường Hạ Sĩ Quan Xe Tăng 1/Binh chủng Tăng Thiết giáp cho kết quả tốt, đảm bảo tất các yêu cầu kỹ thuật đối với trục khuỷu sau phục hồi.

Hình ảnh trục khuỷu trước, sau khi phục hồi bằng phương pháp phun phủ nhiệt, sau khi mài về kích thước tiêu chuẩn và sau chạy thử nghiệm 50km.

Ngoài ra, Chi nhánh Phía Nam đã phối hợp với Xí nghiệp Tăng Thiết giáp/XNLH Z751 tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ phun phủ plasma cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Xí nghiệp.

Đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên môn kỹ thuật Xí nghiệp Tăng Thiết giáp phục hồi trục khuỷu xe M-113 trên hệ thống phun phủ plasma của Xí nghiệp.

Phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài do đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng là các chuyên gia thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Công nghệ/TCCNQP, Xí nghiệp Sửa chữa Tăng Thiết giáp/XNLH Z751, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, đại diện Phòng Kỹ thuật Tăng Thiết giáp/Cục Xe Máy; đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Tại buổi làm việc, Hội đồng đã nghe Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tổng hợp quá trình tổ chức thực hiện đề tài, kết quả, sản phẩm đạt được sau quá trình nghiên cứu. Sau khi nghe các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết đề tài và các tài liệu kèm theo, ý kiến tiếp thu, giải trình của chủ nhiệm đề tài, đồng chí Chủ tịch Hội đồng đã kết luận:

- Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt.

- Đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện quy trình công nghệ và các tài liệu kỹ thuật cùng các trục khuỷu phục hồi là sản phẩm đề tài và làm các thủ tục chuyển giao cho Xí nghiệp Tăng Thiết giáp.

- Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài với đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và yêu cầu đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các hồ sơ liên quan theo đúng quy định.

- Nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục theo dõi độ bền mỏi của trục khuỷu đã phục hồi trên xe thực tế trong thời gian 12 tháng sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Phát biểu tại phiên họp Hội đồng, thay mặt Xí nghiệp Tăng Thiết giáp, đồng chí Thượng tá Lê Mạnh Hà, Giám đốc Xí nghiệp cảm ơn Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã phê duyệt và giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện đề tài, kết quả đề tài có tiềm năng ứng dụng hiệu quả tại Xí nghiệp, giúp đơn vị giải quyết bài toán kỹ thuật “hóc búa”. Xí nghiệp đánh giá rất cao trình độ, năng lực của các thành viên trong nhóm nghiên cứu. Xí nghiệp mong được tiếp nhận các trục khuỷu đã phục hồi cũng như quy trình công nghệ do nhóm đề tài xây dựng. Các giải pháp của nhóm đề tài sẽ giúp Xí nghiệp phần nào tự chủ được nguồn vật tư thay thế khan hiếm; giúp khai thác tốt trang thiết bị đã được Quân đội đầu tư, ứng dụng được công nghệ hiện đại phục vụ bảo đảm kỹ thuật cho Quân đội. Đồng chí Lê Mạnh Hà cũng đề nghị Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ để phục hồi và nâng cao tuổi thọ cho các chi tiết khác xe tăng thiết giáp.

Tin bài: Ngô Thanh Bình (Chi nhánh Phía Nam)