Nghiệm thu đề tài KH&CN nghiên cứu về ứng dụng công nghệ viễn thám và thiết bị bay không người lái đánh giá sự biến đổi của các hệ sinh thái đất ngập nước
26/01/2024Sáng ngày 25 tháng 01 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga: “Ứng dụng công nghệ viễn thám và thiết bị bay không người lái đánh giá sự biến đổi của các hệ sinh thái đất ngập nước” do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì, đồng chí TS. Ngô Trung Dũng làm chủ nhiệm.
Quang cảnh buổi nghiệm thu.
Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.
Đại tá, TS. Phạm Duy Nam chủ trì cuộc họp.
Hiện nay, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động nhân sinh, hệ sinh thái đất ngập nước đang bị suy giảm nhanh chóng, làm ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái có giá trị của đất ngập nước. Do đó, vấn đề bảo tồn đất ngập nước nói chung, và nghiên cứu, đánh giá, giám sát biến động đất ngập nước nói riêng được nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới quan tâm.
Công nghệ viễn thám, GIS (Geographic Information Systems - Hệ thống thông tin địa lý) và UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Thiết bị bay không người lái) được đánh giá là công cụ hiện đại, phù hợp cho nghiên cứu, đánh giá, giám sát biến động đất ngập nước. Ứng dụng viễn thám và công nghệ GIS trong nghiên cứu đất ngập nước và rừng ngập mặn ở Việt Nam ngày càng phổ biến và đã có khá nhiều công trình với những kết quả nổi bật khác nhau. Tuy nhiên, việc ứng dụng UAV, đặc biệt là UAV đa phổ nhằm phân tích các chỉ số thực vật trong nghiên cứu đất ngập nước và rừng ngập mặn tại nước ta còn hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và UAV để đánh giá sự biến đổi của các hệ sinh thái đất ngập nước là vô cùng cần thiết.
Đề tài “Ứng dụng công nghệ viễn thám và thiết bị bay không người lái đánh giá sự biến đổi của các hệ sinh thái đất ngập nước” nhằm mục tiêu đề xuất được quy trình tích hợp và giải pháp kỹ thuật đánh giá sự biến đổi của hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển (tập trung vào hệ sinh thái rừng ngập mặn) sử dụng công nghệ viễn thám, UAV và GIS, thử nghiệm tại khu vực đất ngập nước xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tạo ra một bộ cơ sở dữ liệu mang tính chính xác cao cho việc quản lý, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước, rừng ngập mặn và phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nghiên cứu khoa học khác sau này.
TS. Ngô Trung Dũng báo cáo các kết quả của đề tài trước Hội đồng.
Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí TS. Ngô Trung Dũng báo cáo trước Hội đồng về quá trình tổ chức thực hiện đề tài và những kết quả chính đã đạt được của đề tài. Cụ thể:
- Xây dựng được Quy trình tích hợp và giải pháp kỹ thuật đánh giá sự biến đổi của hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển (tập trung vào HST rừng ngập mặn) sử dụng công nghệ viễn thám, UAV và GIS, thử nghiệm tại khu vực đất ngập nước xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
- Lập được Bộ bản đồ:
+ 02 bản đồ hiện trạng môi trường (môi trường đất và trầm tích; môi trường nước) khu vực đất ngập nước xã Đồng Rui.
+ Bộ bản đồ hiện trạng hệ sinh thái đất ngập nước đa thời gian (05 bản đồ cho 05 thời điểm các năm 1975, 1990, 2000, 2010 và 2022) tại xã Đồng Rui.
+ Bộ bản đồ biến động hệ sinh thái đất ngập nước đa thời gian (04 bản đồ cho 04 giai đoạn 1975 - 1990, 1990 - 2000, 2000 - 2010, 2010 - 2022) tại xã Đồng Rui.
+ Bộ 60 bản đồ hiện trạng một số chỉ số thực vật khu vực đất ngập nước xã Đồng Rui dựa trên tư liệu ảnh UAV tỷ lệ 1/2.000.
- Bộ thư viện phổ phản xạ của các ưu hợp thực vật rừng ngập mặn và các HST đất ngập nước xã Đồng Rui từ kết quả UAV.
- Bộ mẫu phiếu phân tích môi trường.
- Công bố được 05 bài báo khoa học, trong đó: 04 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus.
- Đào tạo 02 thạc sĩ từ kết quả nghiên cứu của đề tài.
Sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đạt được của đề tài, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết đề tài và các tài liệu kèm theo. Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, cũng như ý nghĩa thực tiễn và giá trị khoa học của đề tài.
Thành viên hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.
Thay mặt Hội đồng, đồng chí Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận, đề tài đã thực hiện đầy đủ nội dung nghiên cứu, thu được các kết quả, sản phẩm với số lượng, chất lượng đạt và vượt so với đăng ký, đáp ứng mục tiêu theo thuyết minh đề tài được phê duyệt. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá đạt mức “Xuất sắc”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.
Tin bài: Phòng TTKHQS
Bài viết liên quan