TextBody

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu quy trình tạo bộ sinh phẩm xác định nồng độ ức chế tối thiểu của kháng sinh đơn lẻ và của phối hợp kháng sinh trên một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện

17/07/2025

Sáng ngày 16 tháng 7, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật: “Nghiên cứu quy trình tạo bộ sinh phẩm xác định nồng độ ức chế tối thiểu của kháng sinh đơn lẻ và của phối hợp kháng sinh trên một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosaKlebsiella pneumoniae”. Đề tài do Viện Y sinh nhiệt đới là đơn vị chủ trì, đồng chí Ths. Đặng Thị Việt Hương làm chủ nhiệm.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Hiện nay, thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang được đánh giá là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. NKBV đã và đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề như kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe và làm tăng tỉ lệ tử vong.

Tác nhân gây NKBV có thể là các vi khuẩn gram dương, các trực khuẩn gram âm, nấm và kí sinh trùng. Trong đó, NKBV thường gây nên bởi các vi khuẩn gram âm đa kháng. Nhiều nghiên cứu đều cho thấy rằng căn nguyên hàng đầu gây nhiễm trùng cơ hội là các vi khuẩn A.baumanni, P. aeruginosa K.pneumoniae. Hiện nay, các chủng vi khuẩn này chiếm tới 78% trong số các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị.  

Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, cần tăng cường giám sát và sử dụng kháng sinh hợp lí, dựa trên kết quả nồng độ ức chế tối thiểu (Minimum Inhibitory Concentration - MIC). Hiện nay, có nhiều phương pháp xác định MIC trong vi sinh lâm sàng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế vẫn gặp một số khó khăn nhất định do phụ thuộc vào nguồn cung sinh phẩm từ nước ngoài, dễ bị ảnh hưởng bởi thời gian đặt hàng và vận chuyển, hoặc đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật thao tác chính xác, tỉ mỉ, chưa thực sự phù hợp với điều kiện tại nhiều cơ sở y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Vì vậy, việc phát triển một phương pháp xác định MIC đơn giản, chính xác, dễ triển khai và phù hợp với điều kiện trong nước là rất cần thiết.

Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.

Tại buổi nghiệm thu, ThS. Đặng Thị Việt Hương thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu và những kết quả của đề tài. Cụ thể, nhóm đã thu thập và bảo quản các chủng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, xây dựng quy trình tạo bộ sinh phẩm xác định MIC của kháng sinh đơn lẻ và phối hợp, đồng thời đánh giá độ phù hợp của bộ sinh phẩm với các phương pháp hiện có.

Kết quả cho thấy, bộ sinh phẩm do nhóm nghiên cứu phát triển có độ chính xác cao, khả thi trong triển khai thực tế tại các cơ sở y tế. Nghiên cứu cũng tiến hành so sánh hiệu quả của các phác đồ phối hợp kháng sinh trên các chủng vi khuẩn khác nhau, cho thấy một số phối hợp mang lại hiệu quả hiệp đồng rõ rệt, đặc biệt là khi phối hợp ba loại kháng sinh.

Sau khi nghe đồng chí Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá mức “Đạt yêu cầu”; yêu cầu đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.

Tin bài: Hoàng Quỳnh Ngọc (P.TTKHQS)