<!-- Google tag (gtag.js) --> <script async src="https://www.googletagmanager.com/gtag/js?id=G-K30JX8Y360"></script> <script> window.dataLayer = window.dataLayer || []; function gtag(){dataLayer.push(arguments);} gtag('js', new Date()); gtag('config', 'G-K30JX8Y360'); </script>

Nghiệm thu đề tài “Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị đảm bảo khí khô dùng bảo quản đồng thời cho các máy bay tại bãi đỗ hoặc các đối tượng VKTBKT tương tự khác”

12/08/2022

Chiều 10/8/2022, tại Học viện Phòng Không-Không quân, Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Trung tâm kết quả thực hiện Nhiệm vụ “Thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị đảm bảo khí khô dùng bảo quản đồng thời cho các máy bay tại bãi đỗ hoặc các đối tượng VKTBKT tương tự khác”. 
Nhiệm vụ do Viện Độ bền nhiệt đới (Viện ĐBNĐ)/Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt - Nga là đơn vị chủ trì, đồng chí Thượng tá, TS. Hà Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện ĐBNĐ làm chủ nhiệm. 

Quang cảnh phiên họp.

Công tác niêm cất, bảo quản VKTBKT là một trong những công tác kỹ thuật quan trọng luôn được quân đội các nước nghiên cứu và phát triển. Ngoài các vật liệu bảo vệ như: dầu mỡ, chất ức chế để bảo quản VKTBKT, thì công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí khô, khí trơ vào bảo vệ VKTBKT, đặc biệt là VKTBKT công nghệ cao đang được phát triển mạnh mẽ. Công nghệ bảo quản này cho hiệu quả cao, đồng bộ với các loạt vật liệu, linh kiện, cụm chi tiết khác nhau cấu thành của các hệ thống trang bị phức tạp. Hơn nữa, tính cơ động sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với các công nghệ bảo quản khác.
Trên cơ sở đó, từ năm 2016, nhóm nghiên cứu của Viện ĐBNĐ đã triển khai nghiên cứu, áp dụng công nghệ khí khô đơn chiếc cho các máy bay họ Su, họ Mi tại các đơn vị của Quân chủng PK-KQ, các máy bay tư bản như EC155, EC255 của Công ty bay trực thăng Miền Bắc, đồng thời áp dụng công nghệ khí khô cho các kho bảo quản khí tài của Công ty bay trực thăng Miền Nam và Quân chủng PK-KQ. Kết quả thử nghiệm tại nhiều địa điểm, thời gian khác nhau, nhưng đều cho một kết luận chung là công nghệ thổi khí khô cưỡng bức đạt hiệu quả cao trong duy trì độ ẩm các khoang máy bay và các nhà kho và giảm hiện tượng ăn mòn, ngưng tụ ẩm trên các linh kiện.
Từ các kết quả đạt được về thử nghiệm bảo vệ đơn chiếc, nhóm nghiên cứu đã phát triển nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống khí khô cỡ lớn có thể đảm bảo khí khô cho đồng thời nhiều máy bay tại bãi đỗ. Hệ thống thiết bị đảm bảo khí khô được đặt hàng với tính năng kỹ thuật chính đảm bảo khí khô cho đồng thời 06 máy bay và hệ thống được thử nghiệm thực tế trên 06 máy bay Su-22 tại Học viện Phòng không - Không quân để đánh giá các tính năng kỹ chiến thuật và hiệu quả bảo vệ. Đây là nội dung nghiên cứu trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

 Đồng chí Thượng tá, TS. Hà Hữu Sơn báo cáo kết quả nghiên cứu.

Thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ, Thượng tá, TS. Hà Hữu Sơn, Chủ nhiệm nhiệm vụ đã báo cáo các kết quả cơ bản thu được. Theo đó, trong một năm thực hiện, nhiệm vụ đã nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống bảo đảm khí khô cưỡng bức TTK-3 có các tính năng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả thử nghiệm thực tế tại Học viện Phòng không - Không quân cho thấy hệ thống thiết bị làm việc rất ổn định, duy trì tốt độ ẩm không khí trong các khoang máy bay cần bảo quản luôn dưới 60 %RH. Điện năng tiêu thụ trung bình của toàn hệ thống trong điều kiện khí hậu nồm ẩm ở mức thấp.

 Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận tại phiên họp.

Sau khi nghe Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu nhiệm vụ; các ý kiến phản biện và giải đáp, đồng chí Chủ tịch Hội đồng kết luận: 
- Nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt. Qua kết quả nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm đã có đủ dữ liệu khoa học để công bố được 02 bài báo khoa học.
- Quá trình nghiên cứu đã hoàn thiện về thiết kế chế tạo khung vỏ, kiểu dáng công nghiệp giúp cho hệ thống thiết bị có hình thức đẹp, công nghiệp, vận hành an toàn ổn định và hoàn toàn tự động.
- Quá trình lắp đặt thử nghiệm theo đúng yêu cầu của phương án lắp đặt đã được Thủ trưởng Quân chủng PK-KQ phê duyệt. Việc lắp đặt thử nghiệm Hệ thống đảm bảo khí khô cho các khoang buồng lái của máy bay Su-22 không làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các nội dung huấn luyện của đơn vị. Kết quả áp dụng thử nghiệm đã chứng minh hệ thống đảm bảo khí khô rất phù hợp để bảo quản các khí tài chứa bên trong các khoang máy bay hoặc các đối tượng tương tự khác ở cả trạng thái bảo quản lâu dài cũng khi trong quá trình khai thác.
Đồng chí Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các thành viên Hội đồng, đồng thời chỉnh sửa, hoàn thiện kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu đảm bảo chất lượng tốt nhất, để các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ thực sự góp phần quan trọng phục vụ bảo quản VKTBKT trong Quân đội và ứng dụng công nghệ khí khô trong bảo quản ngày càng được phát triển rất rộng rãi cho nhiều đối tượng trang bị khác nhau.
 

 Hội đồng nghiệm thu và tổ chuyên gia kiểm tra sản phẩm nhiệm vụ

Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và yêu cầu đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ đưa sản phẩm tiếp tục thử nghiệm trên 12 máy bay Su-30MK2 tại Trung đoàn 927/ Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tin, ảnh: Văn Diện (Phòng TTKHQS)