Nghiệm thu đề tài về đánh giá các nguồn thải và nguy cơ phơi nhiễm cộng đồng đối với bụi mịn PM2.5 trong không khí tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

23/05/2024

Chiều ngày 22 tháng 5 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp Trung tâm về đánh giá các nguồn thải và nguy cơ phơi nhiễm cộng đồng đối với bụi mịn PM2.5 trong không khí tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Phân viện Hóa - Môi trường là đơn vị chủ trì thực hiện; đồng chí ThS. Bùi Duy Linh là chủ nhiệm đề tài.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra các bệnh lý về hô hấp, tim mạch và thậm chí là ung thư. Việt Nam, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm bụi khí cao.

Ô nhiễm bụi mịn tại TP. HCM (Ảnh: Quang Định - Tuổi trẻ online).

Tại Việt Nam, các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, việc nghiên cứu tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại các khu vực khác là vô cùng cần thiết. Trong số đó, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng là một khu vực cần được chú ý đặc biệt. Đây là trung tâm công nghiệp lớn, với nhiều nhà máy, khu công nghiệp và hệ thống giao thông phát triển, tiềm ẩn nhiều nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đề tài nghiên cứu "Đánh giá các nguồn thải và nguy cơ phơi nhiễm cộng đồng đối với bụi mịn PM2.5 trong không khí tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai" nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương này, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

ThS. Bùi Duy Linh, chủ nhiệm đề tài, báo cáo trước Hội đồng.

Trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành 04 đợt lấy mẫu hiện trường và thu thập tổng số 240 mẫu bụi ở mùa mưa và mùa khô; xác định được nồng độ bụi PM2.5, nồng độ kim loại, ions và chỉ tiêu EC (Elemental Carbon - Carbon nguyên tố), OC (Organic Carbon - Carbon hữu cơ) trong các mẫu bụi thu thập được.

Kết quả cho thấy, nồng độ trung bình bụi PM2.5 vào mùa khô cao hơn mùa mưa. Kết quả cũng chỉ ra rằng, hầu hết tất cả các ngày ở cả hai mùa đều vượt hơn gấp nhiều lần so với khuyến cáo của WHO (khuyến nghị hàng năm về PM2.5 của WHO là 5 μg/m3).

Đề tài đã tiến hành phân tích xác định hàm lượng 11 kim loại nặng, 8 ions, EC và OC trong 240 mẫu bụi PM2.5 đã thu thập được. Kết quả chỉ ra rằng tổng hàm lượng của các ions chiếm hơn 27% lượng bụi PM2.5, là thành phần lớn nhất. Tiếp theo là OC, chiếm xấp xỉ 9,3% tổng lượng bụi PM2.5, EC chiếm khoảng 1,8%, và cuối cùng, các kim loại chiếm tỉ lệ phần trăm thấp nhất.

Bằng việc sử dụng mô hình phân tích nhân tố ma trận dương (Positive matrix factorization - PMF) cho từng khu vực nghiên cứu, đề tài cũng chỉ ra được sự tương đồng giữa các nguồn đóng góp tại khu vực dân sinh và khu công nghiệp, đều đến từ nguồn bụi thứ cấp, giao thông và công nghiệp chiếm tỉ lệ lớn (Bụi PM thứ cấp được hình thành trong không khí thông qua các phản ứng hóa học của các chất ô nhiễm dạng khí. Chúng là sản phẩm của sự biến đổi của các oxit nitơ trong khí quyển, chủ yếu phát ra bởi giao thông và một số quy trình công nghiệp và lưu huỳnh đioxit từ việc đốt các nhiên liệu có chứa lưu huỳnh).

Trong nghiên cứu này, các kim loại được làm giàu mạnh mẽ hơn vào mùa khô. Các nguyên tố Ni, Pb, As, Cr, Cu, Zn và Cd, ngoại trừ Ni có giá trị EF>10 (EF - Enrichment Factor - hệ số làm giàu), các nguyên tố còn lại đều có giá trị EF > 100 ở cả mùa mưa và mùa khô. 6 trong 7 số nguyên tố này được cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cảnh báo là rất có hại đối với sức khỏe con người.

Các giá trị thu được cũng chỉ ra rằng vào mùa mưa, HI<1 (HI - Chỉ số nguy hiểm - Hazard Index) không có ảnh hưởng lâu dài và nguy cơ tác động đến các bệnh mãn tính của việc hít phải các kim loại đó trong bụi PM2.5. Tuy nhiên, vào mùa khô, giá trị HI > 1, cho thấy tổng rủi ro không gây ung thư đã vượt quá mức an toàn và tiềm ẩn các nguy cơ đối với các bệnh nhân mãn tính. Trong tổng HI, Cd và Cr đóng góp đến 2/3 giá trị và là các nguyên tố đóng góp chính, được xác định là xuất phát từ các hoạt động công nghiệp.

Kết quả giá trị TCR (Total Cancer Risk - Tổng nguy cơ ung thư) cho thấy khả năng bị ung thư do kim loại nặng gây ra tại khu vực nghiên cứu ở mức độ trung bình (trong thang đo 5 mức: rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao).

Dựa vào những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động của bụi PM2.5 đến sức khỏe con người như: kiểm soát, giảm thiểu từ hoạt động giao thông, từ các nguồn thải công nghiệp, và từ các nguồn phát thải được vận chuyển từ xa.

Kết quả nghiên cứu đã công bố 02 bài báo trên tạp chí quốc tế và 02 bài báo trên tạp chí trong nước.

Thành viên hội đồng đánh giá, nhận xét.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà nhóm nghiên cứu đạt được; các sản phẩm nghiên cứu đầy đủ theo thuyết minh, một số nội dung vượt yêu cầu; số liệu trung thực, đáng tin cậy. Kết quả nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn cao. Đề tài đã cung cấp số liệu bổ sung vào bức tranh toàn cảnh về ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt ở các địa điểm chưa được chú ý nghiên cứu nhiều.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức “đạt yêu cầu”, đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý của Hội đồng và chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.

          Tin bài: Phòng TTKHQS