Nghiệm thu đề tài nghiên cứu về loài giáp xác ký sinh trên cua bơi giống Charybdis (De haan, 1833) tại vùng biển Khánh Hòa

29/11/2023

Chiều ngày 29 tháng 11 năm 2023, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu về đa dạng thành phần loài và mối quan hệ phát sinh loài giáp xác ký sinh trên cua bơi giống Charybdis (De haan, 1833) tại vùng biển Khánh Hòa”. Đề tài do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì, đồng chí ThS. Lê Thị Kiều Oanh làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức trực tuyến giữa 02 điểm cầu Cơ sở chính (Hà Nội) và Chi nhánh Ven biển (Nha Trang).

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.

Quang cảnh buổi nghiệm thu tại Cơ sở chính.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Lê Thị Kiều Oanh báo cáo với Hội đồng các nội dung và kết quả chính của đề tài, theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ nội dung, sản phẩm, đáp ứng mục tiêu được phê duyệt, cụ thể:

- Trên 11 loài vật chủ thuộc giống Charybdis đã phát hiện 13 loài giáp xác ký sinh. Trong đó, 05 loài thuộc bộ Lepadiformes, 05 loài thuộc phụ lớp Rhizocephala và 03 loài thuộc bộ giáp xác chân đều Isopoda.

- Trong số 13 loài tìm được có 07 loài đã được ghi nhận trên một số cua khác tại Việt Nam, 06 loài lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, trong đó 03 loài có thể là loài mới đối với khoa học đang trong quá trình mô tả và công bố (Cancrion sp., Portunion sp. 1, Portunion sp. 2).

- Octolasmis angulataOctolasmis warwicki là hai loài phổ biến với tỷ lệ và cường độ nhiễm trung bình cao trên các vật chủ nghiên cứu.

- Hầu hết các loài Rhizocephala và Isopoda ký sinh chỉ nhiễm trên 01 loài vật chủ nhất định với tỷ lệ và cường độ nhiễm không cao.

- Mối quan hệ phát sinh loài dựa trên trình tự gen 18S rDNA thống nhất với thống nhất với phát sinh loài theo đặc điểm hình thái, trong khi phát sinh loài dựa trên gen COI mtDNA chưa thống nhất ở mức độ lớp với phát sinh loài theo đặc điểm hình thái.

Hình ảnh các loài giáp xác ký sinh trên các loài cua thuộc giống Charybdis tại Khánh Hòa.

- Bổ sung dữ liệu di truyền gen 18S rDNA và COI mtDNA của một số loài giáp xác ký sinh và các loài cua nghiên cứu vào ngân hàng Gen.

- Hoàn thành 01 bộ mẫu vật gồm 30 mẫu cua và 100 mẫu giáp xác ký sinh, lưu giữ tại Phòng mẫu của Chi nhánh Ven biển.

- Công bố 02 bài báo khoa học, trong đó 01 bài báo trên tạp chí Marine Biological Journal thuộc danh mục Scopus và 01 bài báo trên tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài cho biết, cho đến nay, các nghiên cứu về giáp xác ký sinh trên cua bơi còn rất hạn chế. Do đó, kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần ghi nhận thêm các loài phân bố tại Việt Nam, bổ sung thông tin về đa dạng sinh học của các loài ký sinh mà còn cung cấp thêm thông tin cho việc phòng ngừa và quản lý dịch bệnh thủy sản.

Sau khi nghe đồng chí đại diện nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết đề tài và các tài liệu kèm theo. Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đã đạt được cũng như giá trị khoa học mà đề tài mang lại.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Hội đồng kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ, đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.

Tin bài: Phòng TTKHQS