Nghiệm thu đề tài về nghiên cứu đặc trưng ô nhiễm PCDDs/PCDFs, dl – PCBs trong không khí của quá trình xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa
01/04/2025Sáng ngày 07 tháng 3, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp Trung tâm “Nghiên cứu đặc trưng ô nhiễm PCDDs/PCDFs, dl-PCBs trong không khí của quá trình xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa”. Đề tài do Phân viện Hóa - Môi trường chủ trì, đồng chí Thượng tá, TS. Nguyễn Thanh Tuấn làm chủ nhiệm.
Sân bay Biên Hòa.
Việc thực hiện đề tài nghiên cứu này xuất phát từ thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại sân bay Biên Hòa - một trong những điểm nóng dioxin lớn nhất tại Việt Nam. Trong lịch sử, khu vực này từng là nơi lưu trữ và sử dụng chất độc da cam cùng các hóa chất khác trong chiến dịch phun rải của quân đội Mỹ, dẫn đến sự tồn lưu dioxin với nồng độ cao trong đất, trầm tích và nước. Hệ lụy của ô nhiễm kéo dài đến ngày nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Hiện nay, dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa đang được triển khai với sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, các chất đồng loại độc của dioxin/furan (17 chất PCDDs/PCDFs) và policlophenyl có tính độc tương tự dioxin (12 chất dl-PCBs) có nguy cơ phát tán vào không khí, đặc biệt thông qua bụi (PM10, PM2.5). Vì vậy, việc giám sát chất lượng không khí và đánh giá mức độ phát tán các chất này qua đường không khí là cần thiết để xác định rủi ro, từ đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn môi trường.
Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng những kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu. Cụ thể:
1. Thu thập và phân tích mẫu
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 04 đợt lấy mẫu thực địa vào cả mùa mưa và mùa khô, thu thập tổng cộng 128 mẫu trong bốn nền mẫu, bao gồm: không khí, bụi tổng (TSP), bụi PM10 và bụi mịn (PM2.5). Các mẫu này được phân tích để xác định nồng độ bụi trong từng nền mẫu, đồng thời xác định nồng độ các hợp chất ô nhiễm chính bao gồm 17 đồng loại độc PCDDs/PCDFs và 12 dl-PCBs.
Lấy mẫu tại sân bay Biên Hòa.
Kết quả phân tích cho thấy:
- Nồng độ dioxin trong không khí ở tất cả các vị trí (tổng nồng độ dioxin trong pha khí và pha hạt) đều nhỏ hơn nồng độ dioxin cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10843:2015 là 0,6 pg TEQ/m3.
- Nồng độ bụi theo mùa: Nồng độ trung bình của bụi TSP, PM10 và PM2.5 trong mùa khô cao hơn đáng kể so với mùa mưa, phản ánh tác động của điều kiện khí hậu đến quá trình phát tán bụi và chất ô nhiễm trong không khí. Sự khác biệt này chủ yếu do cơ chế lắng đọng ướt trong mùa mưa, khi các hạt bụi và chất ô nhiễm bị cuốn trôi khỏi khí quyển nhờ các giọt nước mưa, làm giảm đáng kể nồng độ bụi trong không khí.
- Tỷ lệ đặc trưng của các chất ô nhiễm:
+ Dioxin: OCDD chiếm 40-70% tổng hàm lượng dioxin trong bụi và không khí. Dù chỉ chiếm 1-5%, nhưng 2,3,7,8-TCDD và 1,2,3,7,8-PeCDD là những đồng loại có độc tính cao nhất, đóng góp chính vào tổng độ độc tương đương (TEQ).
+ Furan: OCDF chiếm tỷ lệ cao nhất (30-60%), trong khi 2,3,4,7,8-PeCDF có tỷ lệ 5-15% nhưng là đồng loại có độ độc cao và đóng góp chính vào TEQ của nhóm furan.
+ PCB: PCB 118 chiếm 20-40% tổng số đồng loại PCB độc, tiếp theo là PCB 105 và PCB 156 (10-20%). PCB 126 và PCB 169 có tỷ lệ dưới 5%, nhưng đây là những chất có độ độc cao trong số 12 dl-PCB.
2. Kết quả nghiên cứu về sự phân bố và phát tán chất ô nhiễm trong không khí
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong không khí có sự hiện diện của 2,3,7,8-TCDD – đồng loại có độc tính cao nhất, cùng với các đồng loại PCB có khối lượng phân tử thấp như PCB 77 và PCB 118. Các chất này tồn tại chủ yếu trong bụi mịn và có khả năng phát tán rộng.
Bụi PM2.5: Do có diện tích bề mặt lớn và khả năng hấp phụ cao, loại bụi này dễ chứa các đồng loại dioxin, furan và PCB có tính độc cao. Đồng thời, do kích thước rất nhỏ, PM2.5 có thể di chuyển xa, ảnh hưởng đến các khu vực ngoài phạm vi nguồn ô nhiễm.
Bụi PM10: Thường chứa các hợp chất có khối lượng phân tử lớn hơn, như OCDD và OCDF - những đồng loại có độc tính thấp hơn nhưng tồn tại bền vững trong môi trường.
TSP: Chủ yếu bám dính các hợp chất ít bay hơi, có xu hướng lắng đọng gần nguồn phát thải. Loại bụi này chứa nồng độ cao các đồng loại OCDD, OCDF, và các PCB có khối lượng phân tử cao hơn như PCB 126, PCB 169. TSP thường lắng đọng gần nguồn ô nhiễm.
3. Sự tương đồng giữa các nguồn phát thải và quỹ đạo khối không khí
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình HYSPLIT (Hybrid Single-Particle Lagrangian Integrated Trajectory Model - mô hình tính toán quỹ đạo và phát tán khí quyển do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ - NOAA phát triển) để phân tích quỹ đạo khối không khí tại khu vực nghiên cứu. Kết quả cho thấy sự tương đồng giữa các nguồn phát thải và hướng di chuyển của không khí theo mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lan truyền bụi và chất ô nhiễm.
Vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 4): Gió Đông Bắc thổi chủ đạo, mang theo không khí khô với độ ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển và phát tán bụi. Dòng không khí này có thể cuốn theo bụi từ các khu vực phía Bắc và các hạt mịn phát sinh từ hoạt động giao thông, công nghiệp, góp phần làm gia tăng nồng độ bụi và chất ô nhiễm trong không khí.
Vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10): Gió Tây Nam từ Ấn Độ Dương chịu tác động của áp thấp gió mùa, mang theo lượng lớn độ ẩm và gây mưa nhiều. Nguồn bụi và hạt vật chất có thể đến từ biển, khu vực Tây Nam Việt Nam và các hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ ở đồng bằng sông Cửu Long.
4. Đề xuất giải pháp
Qua các kết quả nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa đến sức khỏe con người như sau:
- Sử dụng công nghệ xử lý đất tiên tiến: Gia nhiệt truyền dẫn (Giải hấp nhiệt: Thermo desorption; Khử hấp thu nhiệt In-pile thermal desorption), Công nghệ phân hủy sinh học (Bioremediation).
- Giám sát chặt chẽ quá trình xử lý đất nhiễm. Trong quá trình tẩy độc hạn chế giảm phát tán bụi vào môi trường bằng phương pháp phun sương, che đậy các vật liệu ô nhiễm.
- Tăng cường phủ xanh quanh sân bay như: keo, bạch đàn, trúc.
Dioxin/furan và PCBs có khả năng lây nhiễm qua không khí và bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, PM10 và TSP, gây ra những tác động nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với thách thức lớn trong kiểm soát các chất ô nhiễm này. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, cần áp dụng công nghệ sạch, cải thiện các chính sách quản lý môi trường, và tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Phân tích dioxin/furan và dl-PCBs trên hệ thống sắc ký khí khối phổ phân giải cao DFS.
5. Công bố
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên một bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus và một bài báo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, góp phần cung cấp dữ liệu khoa học quan trọng về ô nhiễm dioxin trong không khí và các biện pháp kiểm soát.
Sau khi nghe đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo.
Hội đồng kết luận đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về chủng loại, số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu vừa mang ý nghĩa khoa học, vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Đạt yêu cầu”, đồng thời yêu cầu đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm, trình phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.
Bài viết liên quan