Nghiệm thu đề tài về nghiên cứu sự lưu hành của virus chikungunya, virus zika trong quần thể muỗi aedes và bệnh nhân mắc các bệnh sốt nhiệt đới
18/10/2024Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2024, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp Trung tâm: “Nghiên cứu sự lưu hành của virus chikungunya, virus zika trong quần thể muỗi Aedes và bệnh nhân mắc các bệnh sốt nhiệt đới tại một số đơn vị quân đội, cộng đồng dân cư thuộc khu vực biên giới Tây Nam”; đề tài do Chi nhánh Phía Nam chủ trì, đồng chí Thượng tá, TS. Lương Thị Mơ làm chủ nhiệm. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Cơ sở chính Trung tâm tại Hà Nội và điểm cầu Chi nhánh Phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.
Quang cảnh buổi nghiệm thu tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi nghiệm thu tại điểm cầu Chi nhánh Phía Nam.
Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới có xu hướng ngày càng phức tạp, khả năng phát tán nhanh, lan truyền rộng không phân biệt khoảng cách địa lý và không gian của tác nhân gây bệnh, là gánh nặng cho nền y tế công cộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Trong số bệnh mới nổi và tái xuất hiện, các bệnh truyền qua muỗi là mối quan tâm thường trực do tính chu kỳ hằng năm, dịch địa phương và liên quan đến nhiều khía cạnh như điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất, phong tục, tập quán. Các loài muỗi Aedes được coi là véc-tơ chính truyền virus Dengue, virus Zika, virus Chikungunya, virus gây bệnh sốt vàng…từ người bệnh sang người lành. Gần đây một số nghiên cứu đã chứng minh vai trò của loài khác, không phải Aedes, trong quần thể muỗi cũng có khả năng truyền virus Dengue, virus Chikungunya. Người ta cho rằng, có thể vai trò của véc-tơ phụ sẽ phát huy khả năng khi mật độ véc-tơ chính giảm hoặc không có mặt. Hầu hết các bệnh do muỗi Aedes truyền đã xảy ra dịch và/hoặc có nguy cơ tái diễn cao như sốt xuất huyết Dengue, sốt Zika, sốt Chikungunya đều không có thuốc điều trị đặc hiệu và một số bệnh chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Do đó, việc giám sát quần thể muỗi Aedes cũng như làm rõ vai trò của chúng đối với sự lan truyền virus Zika, virus Chikungunya, kiểm soát tác nhân gây bệnh và hiểu rõ nguồn gốc xuất hiện, xây dựng bản đồ phân bố véc-tơ, tác nhân và bản đồ dịch tễ tại vùng lưu hành là yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Đồng chí Thượng tá, TS. Lương Thị Mơ báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.
Mục tiêu của đề tài đặt ra là xác định sự lưu hành của CHIKV, ZIKV trong quần thể muỗi Aedes và bệnh nhân nghi nhiễm Arbovirus tại một số đơn vị quân đội, cộng đồng dân cư thuộc khu vực biên giới Tây Nam. Xác định kiểu gen của CHIKV, ZIKV trong véc-tơ truyền bệnh và bệnh nhân có kết quả dương tính với CHIKV, ZIKV.
Tại buổi nghiệm thu, đồng chí Thượng tá, TS. Lương Thị Mơ thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã thu được những kết quả nổi bật, khẳng định tại Việt Nam có sự lưu hành của hai virus CHIKV và ZIKV, cụ thể:
- Từ 1329 cá thể muỗi trưởng thành (134 mẫu gộp muỗi) và 14786 cá thể bọ gậy (487 mẫu gộp bọ gậy) thuộc các chi Aedes, Culex, Anopheles sp., Armigares, Mansonia crassipes xét nghiệm xác định được 01 mẫu dương tính với virus Chikungunya trong mẫu bọ gậy của muỗi Ae. aegypti được thu thập tại huyện An Phú, tỉnh An Giang.
- Có 09 mẫu dương tính với virus Zika, trong đó có 02 mẫu muỗi Ae. aegypti trưởng thành, 01 mẫu muỗi Ae. albopictus trưởng thành, 03 mẫu bọ gậy muỗi Ae. aegypti, 01 mẫu bọ gậy Ae. albopictus đều thu thập tại An Giang; 01 mẫu bọ gậy Ae.aegyti tại Đồng tháp, 01 mẫu Ae. albopictus tại Cần Thơ.
- Trên tổng số 3211 mẫu huyết tương thu thập từ bệnh nhân đã xác định được 71 mẫu dương tính với CHIKV (chiếm 2,2%), 147 mẫu dương tính với ZIKV (chiếm 4,6%) và 348 mẫu dương tính với DENV (chiếm 10%).
- Đã xác định được 02 kiểu gen của virus Zika lưu hành trong quần thể véc-tơ truyền bệnh và mẫu huyết tương là thuộc chủng virus Zika Chung và Zika Châu Á (ZIKV-ASIAN). Tương tự, kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được 02 kiểu gen của virus Chikungunya lưu hành trong mẫu véc-tơ truyền bệnh và mẫu huyết thanh bao gồm kiểu gen ECSA và kiểu gen ECSA-OIL.
Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố trong 01 bài báo khoa học trong nước và 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, đồng thời đã hỗ trợ đào tạo 01 cử nhân và 03 thạc sĩ theo chuyên ngành đăng ký.
Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được; các sản phẩm đầy đủ theo thuyết minh, trong đó một số nội dung vượt yêu cầu; số liệu trung thực, đáng tin cậy. Kết quả nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn cao, một lần nữa khẳng định tại Việt Nam có sự lưu hành của virus Chikungunya và virus Zika trên véc-tơ và trong cộng đồng, đồng thời ghi nhận sự đồng lưu hành của các tác nhân gây bệnh nêu trên.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức “Đạt yêu cầu”, đồng thời yêu cầu nhóm thực hiện đề tài tiếp thu các nội dung góp ý của các thành viên Hội đồng và chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.
Tin bài: Trần Văn Trưởng/Phòng Y sinh Nhiệt đới, Chi nhánh Phía Nam.
Bài viết liên quan