TextBody

Nghiệm thu đề tài xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu bảo vệ chống ăn mòn khí quyển hiệu quả cao

26/03/2025

Sáng ngày 26 tháng 3, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ được Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt “Xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu bảo vệ chống ăn mòn khí quyển hiệu quả cao bằng cách sử dụng nguyên liệu gốc thực vật và các chất hoạt động bề mặt có chứa Flo”, mã số T-1.16. Đề tài do Chi nhánh Phía Nam chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024, TS. Hoàng Đức Quang và GS, TSKH. Gaidar Sergey Mikhailovich là đồng chủ nhiệm. Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa hai điểm cầu: Cơ sở chính tại Hà Nội và Chi nhánh Phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Quang cảnh buổi nghiệm thu ở Chi nhánh Phía Nam.

Tại buổi đánh giá nghiệm thu, thay mặt nhóm thực hiện đề tài, Trung tá, TS. Hoàng Đức Quang báo cáo trước Hội đồng những kết quả đã đạt được. Theo đó, đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, thử nghiệm so với thuyết minh được phê duyệt. Sản phẩm nhiệm vụ đầy đủ về số lượng, chủng loại và đạt chất lượng so với đề cương được phê duyệt. Cụ thể:

1. Đã làm chủ công nghệ chế tạo các sản phẩm: Phụ gia ức chế ăn mòn gốc thực vật TL-VN; Dầu bảo quản AL-VN; Chất hoạt động bề mặt chứa flo CHB-F; Mỡ bôi trơn chịu nhiệt MBC-VN. Quy trình công nghệ chế tạo các sản phẩm trong điều kiện Việt Nam đã được Thủ trưởng Chi nhánh Phía Nam phê duyệt.

2. Đã hoàn thành các thử nghiệm tính chất hóa-lý, thử nghiệm ăn mòn gia tốc theo tiêu chuẩn GOST 9.054-75 và thử nghiệm tự nhiên tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thử nghiệm/Chi nhánh Phía Nam (Huyện Cần Giờ/Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả cho thấy các sản phẩm của đề tài có hiệu quả ức chế ăn mòn cao cho kim loại đen và kim loại màu, có tiềm năng phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp để ứng dụng bảo vệ cho vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự.

3. Công bố 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc danh mục Scopus (Q2) và 01 dự thảo bằng phát minh sáng chế. Kết quả nghiên cứu đã góp phần hỗ trợ 01 cán bộ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Chủ nhiệm đề tài phía Việt Nam - TS. Hoàng Đức Quang) tham gia đào tạo Tiến sĩ khoa học tại Liên bang Nga.

Hình. Các sản phẩm dạng I của đề tài.

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Hội đồng đã nhận xét, đánh giá và đặt câu hỏi để làm rõ các kết quả nghiên cứu. Kết luận phiên họp, Đại tá, TS. Phạm Duy Nam đánh giá cao kết quả đề tài đã đạt được, khẳng định nhiệm vụ có tính tự chủ công nghệ, tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao và mang lại lợi ích thiết thực cho ngành công nghiệp và bảo vệ môi trường. Việc triển khai các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao tuổi thọ của các kết cấu kim loại, giảm chi phí bảo trì và mở ra hướng đi mới trong việc sử dụng nguyên liệu xanh trong chống ăn mòn.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài với kết quả "Đạt". Đồng thời giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu tiếp tục phối hợp với Phía Nga xây dựng đề cương nghiên cứu, phát triển kết quả của đề tài trong giai đoạn 2026 - 2029 theo định hướng nâng cao hơn nữa khả năng chống ăn mòn trong môi trường biển, đặc tính chống ma sát, mài mòn cũng như khả năng kháng nấm, chống bám bẩn sinh học của các sản phẩm.

Tin bài: Nguyễn Thị Thu Xuân/Chi nhánh Phía Nam