Nghiệm thu kết quả đề tài cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ đực và cá mú đen cái
22/12/2023Chiều ngày 19 tháng 12 năm 2023, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài cấp Trung tâm “Thử nghiệm sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái giai đoạn từ ấp trứng đến giai đoạn cá giống”. Đề tài do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì, đồng chí ThS. Đinh Thị Hải Yến làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa 02 điểm cầu Cơ sở chính (Hà Nội) và Chi nhánh Ven biển (Nha Trang).
Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài.
Cá mú lai (♂E. lanceolatus x ♀E. coioides) được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, là đối tượng có khả năng chống chịu được với biến đổi khí hậu. Cá bố mẹ của cá mú lai có các đặc điểm nổi trội như cá mú nghệ E. lanceolatus đực có những đặc tính chúng có kích thước và trọng lượng lớn (có thể lên tới 100 kg; chiều dài 1,5-2 m), có tốc độ sinh trưởng nhanh, sức đề kháng cao, khả năng chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường tốt; Cá mú đen E. coiodes có thịt tươi, ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, cá mú lai có thể thừa hưởng các gen trội của bố mẹ.
Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga phê duyệt giao Chi nhánh Ven biển chủ trì thực hiện đề tài có tên trên từ 10/2021, với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống cá mú lai từ tinh cá mú nghệ E. lanceolatus đực và trứng cá mú đen E. coioides cái với quy mô pilot, đồng thời kết hợp khai thác khu thử nghiệm sinh thái biển tại Trạm nghiên cứu thử nghiệm biển Đầm Báy của Trung tâm theo hướng sản xuất cá giống.
Tại phiên họp, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Đinh Thị Hải Yến báo cáo với Hội đồng về quá trình thực hiện và kết quả chính của đề tài, theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ nội dung, sản phẩm, đáp ứng mục tiêu được phê duyệt, cụ thể:
- Đã xây dựng được Quy trình sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái giai đoạn từ ấp trứng đến giai đoạn cá giống dựa trên kết quả nghiên cứu của 03 chuyên đề theo các giai đoạn: 1/Kỹ thuật ấp trứng đến giai đoạn ấu trùng (đạt tỷ lệ trứng nở ≥ 50%); 2/Kỹ thuật ương nuôi từ ấu trùng lên cá hương (tỷ lệ sống 10-15%); 3/Kỹ thuật ương nuôi từ cá hương lên cá giống (tỷ lệ sống 40%).
- Đã thử nghiệm sản xuất giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo thành công với số lượng trên 15.000 con cá mú lai giai đoạn cá hương kích thước 1,5 cm; 6.000 con cá giống kích thước 5 cm từ cá mú nghệ đực và cá mú đen cái. Và hiện đang lưu giữ đàn cá bố mẹ với 1 cá đực và 9 cá cái tại lồng bè để tiếp tục sản xuất giống phục vụ nghiên cứu nuôi thương phẩm trong thời gian tới.
- Nuôi thương phẩm thử nghiệm tại biển khu vực Trạm Nghiên cứu thử nghiệm biển Đầm Báy 100 con cá giống từ kích thước 5 cm hồi tháng 7/2023, đến nay đạt kích thước 25-26 cm, trọng lượng 450 - 550 gram, tỷ lệ sống khoảng 50%.
- Nhiệm vụ đã lập hồ sơ đăng ký khảo nghiệm giống cá mú lai theo Nghị định 26/2019/NĐ - CP gửi Cục Thủy sản. Theo quy định tại phụ lục VIII Nghị định 26/2019/NĐ-CP của chính phủ, cá mú lai (E. lanceolatus ♂ x E. coioides ♀) là con lai giữa cá mú nghệ E. lanceolatus đực (♂) và cá mú đen E. coioides chấm nâu cái (♀) thuộc giống Epinephelus nên cá mú lai nằm trong danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
- Đề tài đã gửi hồ sơ đăng ký 01 sáng chế về quy trình sản xuất giống được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn.
- Công bố 01 bài báo khoa học trên Tạp chí KH&CN nhiệt đới.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu về sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái, đã phát triển thêm 1 đối tượng mới đưa vào sản xuất giống nhằm đáp ứng nhu cầu về con giống cho nuôi thương phẩm, góp phần thúc đẩy nghề cá nuôi biển phát triển.
Đồng chí Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng nghiệm thu.
Sau khi nghe đồng chí đại diện nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết đề tài và các tài liệu kèm theo. Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đã đạt được cũng như giá trị khoa học mà đề tài mang lại.
Thay mặt Hội đồng, đồng chí Chủ tịch Hội đồng kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ, đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.
Nhằm kế thừa và phát triển kết quả đề tài thu được, từ năm 2024, Trung tâm sẽ triển khai giai đoạn 2 của nhiệm vụ “Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá mú lai (E. lanceolatus ♂ x E. coioides ♀) trong lồng bè tại tỉnh Khánh Hòa”.
Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc, Phòng Thông tin KHQS; Đinh Thị Hải Yến, Chi nhánh Ven biển
Một số hình ảnh về quá trình thực hiện và kết quả đề tài:
Cho thụ tinh và thu trứng thụ tinh.
Quá trình phát triển phôi hình thành ấu trùng cá mú lai.
a-Trứng thụ tinh; b- Phôi nang; c-Phôi vị; d- Phôi hình thành đốt cơ; e - Ấu trùng mới nở.
Chăm sóc ấu trùng cá.
Quá trình phát triển ấu trùng thành cá mú lai kích thước 1,5 cm.
f - Ấu trùng 2 ngày tuổi; g - Ấu trùng 7 ngày tuổi; h- Ấu trùng 12 ngày tuổi; i- Ấu trùng 35 ngày tuổi; j - Ấu trùng 45 ngày tuổi (cá hương).
Tổ chuyên gia thẩm định giống cá mú lai.
Cá mú giống lai (♂E. lanceolatus x ♀E. coioides).
Cá mú giống lai (♂E. lanceolatus x ♀E. coioides) nuôi thử nghiệm thương phẩm trong lồng bè trên biển.
Bài viết liên quan