TextBody

Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Ủy ban Phối hợp về nghiên cứu thành phần loài và cấu trúc các quần thể cá biển ở một số khu vực biển Việt Nam

17/01/2023

Sáng ngày 17 tháng 01 năm 2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp Ủy ban Phối hợp: “Nghiên cứu thành phần loài và cấu trúc các quần thể cá biển, bao gồm các loài có giá trị kinh tế tại vùng biển Cát Bà và Thổ Chu”, do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì; đồng chí Thiếu tá, TS. Vũ Quyết Thành làm chủ nhiệm.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng.

Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Thiếu tá, TS. Vũ Quyết Thành báo cáo trước Hội đồng những kết quả chính đã đạt được của nhiệm vụ. Cụ thể:

Đã xác định được tổng số 210 loài thuộc 62 họ và 27 bộ. Trong đó, số loài tại Thổ Chu là 152 loài, số loài tại Cát Bà là 106 loài. Nhóm có giá trị làm thực phẩm chiếm số lượng lớn nhất là 60%, nhóm có giá trị chỉ làm cảnh chiếm 31%, nhóm vừa có giá trị làm cảnh vừa có giá trị làm thực phẩm chiếm 9%.

Phân tích hình thái đá tai của cá Đù uốp J. Carouna, đã phân chia được hai quần thể tách biệt là Thổ Chu và Cát Bà, các quần thể tại Phú Yên có thể là sự pha trộn của quần thể của Thổ Chu và Cát Bà, tuy nhiên có mối liên hệ chặt chẽ giữa cặp địa phương Phú Yên - Thổ Chu.

Phân tích hình thái đá tai của cá Chỉ vàng S. Leptolepis đã phân chia được hai quần thể tách biệt là Thổ Chu và Cát Bà, các quần thể tại Phú Yên có thể là sự pha trộn của Thổ Chu và Cát Bà, có mối liên hệ chặt chẽ giữa cặp địa phương Phú Yên - Thổ Chu.

Trong cây phả hệ, các giống, loài thuộc họ cá Đù có sự phân nhánh riêng biệt rõ ràng. Các cặp giống Chrysochir - Pennahia; cặp Nibea - Collichthys có quan hệ gần về mặt di truyền. Sự phân kỳ của 9 loài thuộc họ cá Đù tập trung vào 3 kỷ (Kỷ phân trắng, Kỷ cổ cận, Kỷ tân cận). Cá Đù uốp J. Carouna có quan hệ di truyền gần với cá Đù răng nhọn J. borneensis. Sự phân kỳ phát sinh loài cá Đù uốp J. Carouna thuộc kỷ Tân cận.

Các giống, loài thuộc họ cá Khế có sự phân nhánh riêng biệt rõ ràng kể cả với những loài dễ gây nhầm lẫn về mặt hình thái. Cây phát sinh loài cũng chia ra 02 dòng rõ ràng là Caranginae và Naucratinae. Các cặp giống Atule - Alepes; Selar - Carangoides có quan quan hệ gần về mặt di truyền.  Cá Chỉ vàng S. leptolepis có quan hệ di truyền gần với các loài thuộc giống Decaterus; sự phân kỳ cá Chỉ vàng và 3 loài thuộc giống Decapterus diễn ra vào thế Eocene thuộc kỷ Cổ cận (Paleogene).

Sử dụng hình thái đá tai có khả năng phân loại các loài cá biển. Tỷ lệ phân loại thành công cao nhất khi kết hợp giữa bộ số đo cơ bản BDP và chỉ số hình dạng ShI là 81,11%. Hai loài có khả năng phân loại đạt độ chính xác cao (100%) bằng cả 3 cách tiếp cận (BDP, ShI, BDP và ShI) là: Cá đối đầu nhọn (Crenimugil pedaraki), cá Mú (Cephalopholis boenak).

Mô tả hình thái đá tai của một số loài trong bộ mẫu đá tai của cá cho thấy, đá tai cá có hình thái đặc trưng cao cho loài.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố trên 05 bài báo khoa học, trong đó có 02 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. 

Thiếu tá, TS. Vũ Quyết Thành báo cáo kết quả trước Hội đồng.

Sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được, Hội đồng đánh giá đề tài đã hoàn thành xuất sắc về số lượng và chất lượng của các sản phẩm, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Xuất sắc”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các tài liệu kèm theo, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.

 

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ.

Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)