Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Trung tâm về nghiên cứu, chế tạo nhà vệ sinh cơ động sử dụng trong điều kiện biển đảo
04/11/2022Sáng ngày 04 tháng 11 năm 2022, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp Trung tâm về Nghiên cứu, chế tạo nhà vệ sinh cơ động sử dụng trong điều kiện biển đảo, do Phân viện Công nghệ sinh học là đơn vị chủ trì; đồng chí Đại úy, Thạc sĩ Đỗ Thị Thu Hồng làm chủ nhiệm.
Thượng tá, TS. Nguyễn Phi Long, Chủ tịch hội đồng điều hành phiên họp.
Đồng chí Thượng tá, TS. Nguyễn Phi Long, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.
Quang cảnh buổi nghiệm thu.
Xuất phát từ tình hình thực tế các nhà vệ sinh cơ động sử dụng trên các đảo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trang thiết bị và quá trình xử lý chất thải, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành triển khai các nghiên cứu: (1) Hoàn thiện thiết kế, nội địa hóa sản phẩm, sản xuất và đánh giá hiệu quả thử nghiệm thực tế nhà vệ sinh cơ động sử dụng trên các đảo; (2) Nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vi sinh ưa mặn xử lý chất thải người sử dụng đồng bộ với nhà vệ sinh cơ động.
Các kết quả chính đạt được:
- Từ 52 mẫu đất, trầm tích, cát san hô và chất thải thu thập được trên các đảo, đã phân lập được 312 chủng vi sinh vật (VSV), trong đó 04 chủng có hoạt tính cao được lựa chọn cho sản xuất chế phẩm SM-10, bao gồm: Saccharomyces sp. Y01, Bacillus sp. B02, Bacillus sp. B07 và Streptomyces sp. A02.
- Các chủng VSV có đặc điểm sinh học phù hợp cho tạo chế phẩm vi sinh ưa mặn như: thích nghi với dải độ mặn rộng (3-26‰), pH trung tính, nhiệt độ từ 30-35̊C, có hoạt tính enzyme cao đối với cả 03 loại enzyme (cellulase, amylase, protease), hoạt tính kháng VSV gây bệnh (E.coli, Salmonella).
- Xây dựng được bộ chỉ tiêu kỹ thuật của chế phẩm và sản xuất được 280 kg chế phẩm SM-10. Chế phẩm được sản xuất và kiểm tra theo đúng quy trình, đạt các thông số kỹ thuật gồm mật độ VSV đạt 109 CFU/g, độ ẩm 12-14%, màu trắng ngà và đạt hiệu quả phân hủy nhanh, khử được mùi hôi chất thải, ức chế được VSV gây bệnh sau 04 tháng ủ xử lý.
- Thiết kế, chế tạo thiết bị vệ sinh cơ động DTH-09 quy mô 09 người sử dụng/ngày, có thể phân tách nước tiểu và chất thải ngay trong quá trình sử dụng với kích thước và thể tích phù hợp; một số bộ phận của thiết bị được nhiệt đới hóa để phù hợp với điều kiện môi trường biển đảo Việt Nam. Thiết bị vệ sinh cơ động DTH-09 được sản xuất bằng chất liệu composite đảm bảo gọn nhẹ, hoạt động tốt ở điều kiện biển đảo.
- Các đơn vị sau khi sử dụng đều đánh giá thiết bị vệ sinh cơ động DTH-09 và chế phẩm vi sinh ưa mặn SM-10 xử lý tốt mùi hôi chất thải tại các hố vệ sinh (so với đối chứng không sử dụng chế phẩm), đảm bảo tính cơ động, phù hợp nhu cầu sử dụng ở các khu vực ven biển và hải đảo.
Đại úy, ThS. Đỗ Thị Thu Hồng báo cáo kết quả nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo, đồng chí Chủ tịch Hội đồng đã kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt.
Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ, đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.
Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)
Bài viết liên quan