Nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu về ảnh hưởng của sự phân cực điện đến hiện tượng ăn mòn và bám bẩn sinh học của vật liệu kết cấu trong môi trường biển

19/07/2024

Chiều ngày 19 tháng 7, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN được Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt với mã số T-1.2, nhiệm vụ số 4 “Nghiên cứu ảnh hưởng của sự phân cực điện đến hiện tượng ăn mòn và bám bẩn sinh học của vật liệu kết cấu trong môi trường biển”, do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì thực hiện, đồng chí Tiến sĩ Nông Quốc Quảng là chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với Chi nhánh Ven biển.

Thượng tá, TS. Nguyễn Trọng Dân, Thư ký khoa học, Chủ tịch Hội đồng.

Đồng chí Thượng tá, TS. Nguyễn Trọng Dân, Thư ký khoa học, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu động học sự hình thành và vai trò của lớp bám cặn đến hiệu quả chống ăn mòn điện hóa và bám bẩn sinh học dạng macro khi phân cực ca-tốt cho thép kết cấu AH36 trong nước biển trong điều kiện phòng thí nghiệm và điều kiện tự nhiên.

Để đạt được mục tiêu đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành:

- Nghiên cứu thiết lập các chế độ phân cực ca-tốt để bảo vệ thép kết cấu AH36 trong nước biển tự nhiên và trong điều kiện phòng thí nghiệm.

- Nghiên cứu động học sự hình thành, đặc điểm và vai trò của lớp bám cặn đến hiệu quả chống ăn mòn điện hóa khi phân cực ca-tốt cho thép kết cấu AH36 trong nước biển.

- Nghiên cứu, đánh giá đặc điểm và ảnh hưởng của bán bẩn macro lên hiệu quả phân cực ca-tốt với sự có mặt của bám cặn.

Quang cảnh buổi nghiệm thu tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Nông Quốc Quảng báo cáo trước Hội đồng những kết quả chính đã đạt được của nhiệm vụ. Cụ thể:

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tượng bám cặn trên bề mặt ca-tốt trong quá trình phân cực bằng dòng điện ngoài tạo ra bởi sự tích lũy kết tủa các hợp chất chứa canxi và magie có trong nước biển ở mật độ dòng trong khoảng 1÷4 A/m2, trong đó ưu tiên sự hình thành kết tủa của magie (brucite) từ thời điểm ban đầu và được tích lũy thêm bởi kết tủa của canxi (aragonite) theo thời gian.

Thông qua các kỹ thuật phân tích điện hóa cho thấy lớp bám cặn hình thành từ quá trình phân cực ca-tốt thể hiện đặc tính rào cản và nó có tác dụng bảo vệ thép AH36 khỏi sự ăn mòn trong nước biển tự nhiên. Ngoài ra, sự hiện diện của lớp bám cặn này đã hạn chế sự phát triển của bám bẩn sinh học macro trên bề mặt thép AH36 trong nước biển nhiệt đới.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên 01 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus và 01 bài báo khoa học trong nước.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá.

Sau khi nghe đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo.

Hội đồng kết luận đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về chủng loại, số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu vừa mang ý nghĩa khoa học, vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Đạt yêu cầu”, đồng thời yêu cầu đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm, trình phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.