TextBody

Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN hỗn hợp Việt - Nga về đặc điểm hình thái, sinh thái, phát sinh loài, sự phân bố trong các thủy vực tại Việt Nam và đánh giá khả năng sử dụng làm chỉ thị sinh học của loài đặc hữu châu Á Netzelia tuberspinifera

05/05/2023

Chiều ngày 05 tháng 5 năm 2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KH&CN do Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt: “Loài đặc hữu châu Á Netzelia tuberspinifera - Đặc điểm hình thái, sinh thái, phát sinh loài, sự phân bố trong các thủy vực tại Việt Nam và đánh giá khả năng sử dụng làm chỉ thị sinh học” do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì; đồng chí Thiếu tá, TS. Trần Quốc Hoàn làm chủ nhiệm.

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá, TS. Trần Quốc Hoàn báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.

Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Thiếu tá, TS. Trần Quốc Hoàn báo cáo trước Hội đồng những kết quả chính đã đạt được của nhiệm vụ. Cụ thể:

- Đã bổ sung dẫn liệu về số đo các chỉ tiêu hình thái loài trùng chân giả có vỏ Netzelia tuberspinifera trong các thủy vực nước ngọt Việt Nam. Chiều dài và chiều rộng vỏ dao động lần lượt từ 82,79 tới 152,03 µm và 79,82 tới 145,72 µm. Chiều rộng miệng từ 34,3 tới 80,3 µm và chiều cao cổ trong khoảng 4,15 - 16,61 µm. Đối với nhóm có gai, số lượng gai trên vỏ dao động từ 1 tới 7 gai (trung bình là 4), với chiều dài gai trong khoảng 7,94 - 51,20 µm. Tỷ lệ giữa chiều dài gai và chiều rộng vỏ dao động từ 8,3 tới 46,9%. Vỏ loài N. tuberspinifera chủ yếu được cấu tạo từ các nguyên tố (theo thứ tự giảm dần tỷ lệ % khối lượng) là O (50-53%), Si (17-20%), C (9-11%), Al (3,5-4,2%), K (2,6-3%), Na (1,7-2,4%), Zn (1,3-2,1%), Fe (1,1-1,6%, Ca (0,7-1,7%).

Ảnh chụp hiển vi điện tử quét của loài Netzelia tuberspinifera. i-m: cá thể có gai.

- Không tồn tại sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm cá thể không gai và có gai về các chỉ tiêu hình thái (chiều dài vỏ, chiều rộng vỏ, chiều rộng miệng và chiều cao cổ).

Ảnh chụp hiển vi điện tử quét của loài Netzelia tuberspinifera. a-d: cá thể không gai.

- Về đặc điểm sinh thái, tại Việt Nam, loài N. tuberspinifera chỉ sống trong môi trường nước ngọt, chủ yếu ở dạng sống phù du và quanh thực vật nước, ít khi bắt gặp trong nền đáy, ưa thủy vực nước tĩnh (hồ chứa, hồ tự nhiên), gần như không tìm thấy trong thủy vực nước chảy (sông, suối, kênh). Loài được tìm thấy trong khoảng nhiệt độ nước từ 14oC tới 35oC, trong môi trường nước từ axít nhẹ (pH = 5) tới kiềm nhẹ (pH = 9) với oxy hòa tan dao động trong khoảng tương đối rộng từ 1,4 tới 13,8 mg/l và độ dẫn điện trong khoảng từ 4 tới 275 µS/cm.

- N. tuberspinifera bắt mồi chủ động bằng chân giả, sử dụng cả tảo và động vật làm thức ăn. Ngoài các loài luân trùng đã biết là thức ăn của N. tuberspinifera, như Collotheca cf mutabilis, Conochilus sp., Keratella cochlearis, đã ghi nhận N. tuberspinifera ăn cả các loài tảo, như tảo giáp Ceratium sp., tảo lục Staurastrum sp. và Pediastrum sp. và động vật khác, như giáp xác chân chèo Copepoda.

 Hình ảnh N. tuberspinifera bắt mồi thực vật. a: ăn tảo giáp Ceratium sp.; b: ăn tảo lục Staurastrum sp.; c, d: ăn tảo lục Pediastrum sp.; e, f: các tế bào vi tảo trong nguyên sinh chất.

- Đặc điểm có gai trên vỏ chỉ là một biểu hiện kiểu hình của loài N. tuberspinifera, không thể coi đó là đặc điểm phân định loài mới.

- Tỷ lệ bắt gặp loài N. tuberspinifera trong các thủy vực nước ngọt tại Việt Nam là 20% tính theo số điểm thu mẫu và 14% tính theo số mẫu đã thu. Trong các dạng thủy vực khác nhau, loài nghiên cứu chủ yếu được quan sát thấy trong hồ tự nhiên và hồ chứa nước với tỷ lệ bắt gặp lần lượt là 16,8 và 21,2%. Trong dạng thủy vực sông và đầm, tỷ bắt gặp thấp (1,7%), trong khi đó, không phát hiện thấy loài này trong suối, kênh và các dạng thủy vực khác (ao, vũng nước đọng).

- Tại Việt Nam, loài N. tuberspinifera có phân bố địa lý liên tục từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Cao Nguyên cho tới các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đối với các tỉnh Tây Nam Bộ, cho tới nay, chưa ghi nhận thấy loài nghiên cứu. Loài này phân bố ở các cao độ khác nhau, từ vùng đồng bằng cho tới khu vực cao nguyên có cao độ trên 800 m so với mực nước biển. Tuy nhiên, chúng phân bố chủ yếu ở các thủy vực nằm ở cao độ dưới 200 m.       

- Tỷ lệ bắt gặp của loài trong các dạng sinh cảnh phù du, quanh thực vật nước và nền đáy lần lượt là 24,8%, 10,2% và 9,3%.                                

- Tại hồ Ba Bể và Yên Quang, các yếu tố môi trường nước nước (nhiệt độ, pH, DO, EC, TDS, độ cứng, tổng N, tổng P, BOD, COD, Chlorophyll a, độ đục FNU, độ đục Secchi, chỉ số CSTI) giải thích lần lượt 42,61 và 34,77% sự biến đổi về mật độ và sự bắt gặp N. tuberspinifera qua các điểm quan trắc. Trong đó, các yếu tố nhiệt độ, độ cứng, độ đục và EC có ảnh hưởng mạnh nhất tới loài nghiên cứu. Loài N. tuberspinifera có thể trở thành đối tượng nghiên cứu tiềm năng trong các nghiên cứu độc học sinh thái, chỉ thị môi trường.

- Phát hiện và mô tả 01 loài mới cho khoa học - Difflugia quangtrani sp. nov.

- Chụp được trên 30 ảnh loài N. tuberspinifera với độ phân giải trên 5 Megapixel.

- 02 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và 01 bài báo trên tạp chí Khoa học và công nghệ nhiệt đới.

- Kết quả đào tạo: Tham gia đào tạo 01 học viên cao học và 01 sinh viên đại học.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ.

Sau khi nghe đồng chí đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu, các ủy viên Hội đồng nêu câu hỏi chất vấn, nhận xét đánh giá và đóng góp ý kiến cho Báo cáo tổng kết nhiệm vụ và các tài liệu kèm theo. Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đã đạt được cũng như giá trị khoa học mà đề tài mang lại.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết nhiệm vụ.

Kết thúc buối làm việc, đồng chí Chủ tịch Hội đồng kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, các sản phẩm cơ bản đầy đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo thuyết minh đề cương đã được TTNĐ Việt - Nga phê duyệt, một số nội dung vượt chỉ tiêu. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ, đánh giá mức “Đạt yêu cầu” và đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định.

Tin bài: Phòng TTKHQS