TextBody

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản cá hồng Lutjanus malabaricus (Bloch & Schneider, 1801)

26/07/2023

Sáng ngày 26 tháng 7 năm 2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ do Uỷ ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản cá hồng Lutjanus malabaricus (Bloch & Schneider, 1801) khu vực vùng biển Trung Bộ làm cơ sở phục hồi, phát triển và sử dụng bền vững”, do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì, đồng chí Đinh Thị Hải Yến làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức trực tuyến tại 02 điểm cầu Cơ sở chính (Hà Nội) và Chi nhánh Ven biển (Nha Trang).

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam - Chủ tịch Hội đồng.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Quanh cảnh buổi nghiệm thu tại Cơ sở chính.

Cá hồng Lutjanus malabaricus phân bố nhiều ở khu vực ven biển Trung Bộ. Đây là loài có tốc độ tăng trưởng nhanh, có giá trị dinh dưỡng cao, và là đối tượng tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dữ liệu về sinh học, sinh sản (như mùa vụ sinh sản, tỷ lệ giới tính, các giai đoạn thành thục, chiều dài và tuổi khi thành thục sinh dục, sức sinh sản) của cá hồng L.malabaricus còn hạn chế. Do đó, nhóm thực hiện đề tài lựa chọn nghiên cứu nhằm bổ sung dẫn liệu khoa học về đặc điểm sinh học sinh sản và sinh thái của cá hồng Lutjanus malabaricus tại khu vực biển Nghệ An - Hà Tĩnh.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Đinh Thị Hải Yến báo cáo với Hội đồng các nội dung và kết quả chính của nhiệm vụ, theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ nội dung, sản phẩm, đáp ứng mục tiêu được phê duyệt. Cụ thể:

- Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: loài được đánh bắt quanh năm, nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 10. Cá có kích thước từ 12,50 đến 84 cm, khối lượng từ 35,79-9000 gam/con, gồm 17 nhóm tuổi, hệ số thành thục và sức sinh sản cao, sinh sản quanh năm, mùa vụ sinh sản chính từ tháng 3 đến tháng 8. Sức sinh sản từ 23.887 - 769.257 trứng/cá thể cái; trứng lớn (đường kính trứng thành thục > 1000 μm) có nhiều đặc điểm giống cá hồng bạc L.argentimaculatus vì vậy loài này là đối tượng có thể nghiên cứu cho sản xuất giống trong tương lai;

Ở khu vực vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh xác định được 22 loài thuộc 2 họ cá hồng Lutjinuadae.

Hình ảnh một số loài họ cá hồng Lutjinuadae.

- Hoàn thành 01 bộ mẫu vật gồm 22 loài cá hồng; 01 bộ tiêu bản mô học.

- Công bố 04 bài báo khoa học, trong đó 01 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (Scopus) và 03 bài báo trong nước.

Các ý kiến của Hội đồng đều tập trung đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu đã đạt được cũng như giá trị khoa học mà đề tài mang lại, góp phần làm cơ sở phục hồi, phát triển và sử dụng bền vững loài cá hồng L.malabaricus (Bloch & Schneider, 1801) tại khu vực vùng biển Trung Bộ nước ta.

Tin bài: Nguyễn Xuân Ngọc (P.TTKHQS)