TextBody

Nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu về cá ngoại lai xâm hại giống Pterygoplicthys (họ Loricariidae) ở miền Nam Việt Nam

25/01/2024

Chiều ngày 24 tháng 01 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình nghiên cứu KH&CN được Ủy ban phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phê duyệt: “Cá ngoại lai xâm hại giống Pterygoplicthys (họ Loricariidae) ở miền Nam Việt Nam”; nhiệm vụ do Chi nhánh Ven biển là đơn vị chủ trì, đồng chí Đại úy, TS. Trần Đức Diễn làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với Chi nhánh Ven biển.

Quang cảnh buổi nghiệm thu tại Hà Nội.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá, TS. Phạm Duy Nam - chủ tịch hội đồng.

Hiện nay, dưới tác động của thay đổi môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu, cũng như hoạt động khai thác tài nguyên không hợp lý... khiến cho đa dạng sinh học ở nhiều quốc gia đang đứng trước nhiều thách thức. Đối với Việt Nam, một trong số 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cũng đang đứng trước nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học. Một trong số những nguyên nhân hàng đầu là sự du nhập của các loài ngoại lai. Việc nghiên cứu cá Lau kính giống Pterygoplychthys (họ Loricariidae) ở miền Nam Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn cao, bổ sung dẫn liệu khoa học về một số đặc điểm sinh học của loài này ở nước ta, cũng như đánh giá tác động của chúng đối với khu hệ cá nội địa, làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý sinh vật ngoại lai nói chung, cá Lau kính giống Pterygoplychthys nói riêng.

Tại buổi làm việc, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo trước Hội đồng những kết quả chính đã đạt được của nhiệm vụ. Cụ thể:

- Kết quả khảo sát mức độ đa dạng, một số đặc điểm hình thái và sinh học của cá Lau kính giống Pterygoplychthys (họ Loricariidae) cho thấy:

+ Cá Lau kính giống Pterygoplychthys (họ Loricariidae) đã xuất hiện ở hầu hết các lưu vực sông ở miền Nam, Việt Nam. Cá Lau kính có phân bố ở vùng nước lợ khu vực cửa sông. Cá Lau kính ở các thủy vực miền Nam Việt Nam có từ 10 đến 13 tia vây mềm và thuộc giống Pterygoplychthys. Kiểu hình vân trên mặt bụng của cá đa dạng, không chỉ biểu hiện của loài P. pardalis P. disjunctivus, mà còn có kiểu hình trung gian giữa hai loài kể trên. Phân tích hình thái học và di truyền phân tử cho kết quả tin cậy về thành phần loài cá Lau kính gồm hai loài P. pardalisP. disjunctivus.

+ Chiều dài tổng L1 của P. disjunctivus có sự khác biệt đáng kể ở các dạng thủy vực, cá thu được ở các dòng sông có kích thước trung bình lớn hơn so với hai dạng thủy vực còn lại. Cụ thể: Hồ chứa: 118 - 401 mm (trung bình: 246,35 ± 6,24 mm); Kênh dẫn nước: 119 - 365 mm (trung bình: 227,89 ± 10,12 mm); Sông: 162 - 441 mm (trung bình: 320,93 ± 6,79 mm) (p<0,05). Loài P. disjunctivus đánh bắt được ở các dạng thủy vực trong nghiên cứu này đều tăng trưởng về chiều dài nhanh hơn khối lượng (tham số tăng trưởng b: 2,66 - 2,82). Có sự phân vùng theo không gian đáng kể về hình thái của cá ở ba dạng thủy vực, trong đó có tổng 10 chỉ tiêu hình thái đóng góp vào sự khác biệt này.

Cá Lau kính P. disjunctivus.

+ Cá Lau kính thích nghi tốt ở các thủy vực, không có dấu hiệu bất thường nào về tuyến sinh dục của cá. Tuy nhiên không có sự khác biệt về sức sinh sản tương đối ở hai thủy vực, đạt khoảng 13 trứng/g và cá có thể đẻ một hoặc nhiều đợt trong năm.

+ Sán lá, myxozoan và trùng bánh xe trichodinid là những nhóm ký sinh trùng phổ biến nhất ở ba loài cá gồm: cá Lau kính, cá Rô phi và cá Rô đồng. Trong đó, hai loài cá Lau kính và cá Rô phi có xu hướng nhiễm ký sinh trùng ít hơn so với loài bản địa và có hiện tượng bội nhiễm ký sinh trùng trên các loài cá thu được.

+ Kết quả nghiên cứu đã cung cấp dẫn liệu thànhphần loài cá thường đánh bắt được trong thời gian nghiên cứu (2021 - 2023) tại các thủy vực là: sông Cái (41 loài), sông Dinh (29 loài), sông Ba - hạ lưu (33 loài), sông Ba - thượng lưu ở Phú Hòa (37 loài), hồ Suối Trầu (37 loài), hồ Trị An (55 loài), hồ Đại Ninh (23 loài), hồ Ea Kao (18 loài) và hồ Krong HNăng (16 loài). Cá Lau kính đã có ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lợi cá bản địa và sinh kế của ngư dân như phá hỏng ngư cụ và có thể làm suy giảm thành phần loài cá bản địa.

- Kết quả nhiệm vụ công bố được 05 bài báo được đăng và chấp nhận đăng (trong đó, 04 bài báo trên tạp chí quốc tế và 01 bài báo trong nước).

- Đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ từ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ.

Quang cảnh buổi nghiệm thu tại Chi nhánh Ven biển.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả đạt được của nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá nhiệm vụ đã thực hiện tốt các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu theo đề cương được phê duyệt, các sản phẩm đầy đủ về số lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng, một số sản phẩm vượt chỉ tiêu đăng ký. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ và đánh giá mức “Xuất sắc”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.

Tin bài: Phòng Thông tin khoa học quân sự