Nghiệm thu nhiệm vụ về nghiên cứu biến động sinh khối thực vật và năng lực hấp thụ carbon tại các hệ sinh thái rừng Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai

10/07/2024

Chiều ngày 10 tháng 7 năm 2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tổ chức họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp trung tâm về nghiên cứu biến động sinh khối thực vật và năng lực hấp thụ carbon tại các hệ sinh thái rừng Cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai, do Viện Sinh thái nhiệt đới là đơn vị chủ trì thực hiện; đồng chí Thượng tá, TS. Đinh Bá Duy là chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với Chi nhánh Phía Nam.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp, có các thành viên Hội đồng, đại diện cơ quan quản lý khoa học, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện nhiệm vụ.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng của vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, còn gọi là "Nóc nhà Đông Dương"(Ảnh: Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng).

Biến động sinh khối thực vật là sự thay đổi về tổng khối lượng của tất cả các sinh vật sống trong một hệ sinh thái theo thời gian, phản ánh sức khỏe và điều kiện môi trường tự nhiên. Những biến động này có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đến sự xuất hiện của các loài ngoại lai, cũng như các hoạt động của con người như khai thác gỗ, nông nghiệp và đô thị hóa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực ngày càng tăng từ con người, việc theo dõi và phân tích biến động sinh khối thực vật cùng năng lực hấp thụ carbon trở nên cấp thiết vì không chỉ giúp hiểu rõ hơn về trạng thái của các hệ sinh thái mà còn hỗ trợ đưa ra các chính sách kịp thời, hiệu quả cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sự tồn tại và phát triển hài hòa, bền vững giữa con người và thiên nhiên.

Ảnh: TS. Đinh Bá Duy báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Đinh Bá Duy thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, tỷ lệ mất rừng giai đoạn 2000 - 2010 ở mức 0,33%/năm (mất hơn 5.110 ha) đã giảm xuống đáng kể còn 0,09%/năm ở giai đoạn 2010 - 2021 (mất hơn 1.510 ha), đồng thời diện tích các loại hình rừng trồng, đất trồng cây lâu năm và đất cây hàng năm tăng lên cho thấy tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng khu vực Cao nguyên Kon Hà Nừng. Bên cạnh những yếu tố tác động đến từ thay đổi điều kiện, môi trường tự nhiên, hay do biến đổi khí hậu chưa được lượng hóa cụ thể thì những tác động của con người và những chính sách quản lý, phát triển, sử dụng đất của các cấp có thẩm quyền được xác định là nguyên nhân chính của những thay đổi diện tích các loại hình sử dụng đất giai đoạn 2000 - 2021.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các chỉ số thực vật khảo sát được tính toán từ sản phẩm viễn thám thể hiện mức độ tương quan cao và đồng nhất với nhau. Do đó, có thể nhận định rằng việc tuyển chọn các nhân tố dự báo (biến đầu vào) từ 4 chỉ số thực vật khảo sát NDVI (Normalized Difference Vegetation Index - Chỉ số thực vật phân biệt chuẩn hóa), GNDVI (Green Normalized Difference Vegetation Index - Chỉ số thực vật phân biệt chuẩn hóa xanh lá cây), SAVI (Soil Adjusted Vegetation Index - Chỉ số thực vật điều chỉnh theo đất) và EVI (Enhanced Vegetation Index - Chỉ số thực vật nâng cao) là cần thiết để loại bỏ hiện tượng đa cộng tuyến, hoặc ở trường hợp đơn giản hơn có thể áp dụng nhanh/đại trà thì chỉ cần lựa chọn sử dụng một trong số 4 chỉ số trên.

Trên tập dữ liệu đo đạc sinh khối thực địa, chỉ số NDVI tính toán từ sản phẩm Sentinel-2 và dữ liệu về kiểu rừng theo các OTC đề tài đã xây dựng được mô hình ước tính sinh khối rừng tự nhiên khu vực cao nguyên Kon Hà Nừng năm 2016 với dạng thức Lin-Log, đạt hệ số tương quan R2=0,72;  năm 2021 theo dạng thức Log-Lin với R2=0,76. Theo đó mô hình Log-Lin năm 2021 được xây dựng trên tập dữ liệu với dung lượng mẫu lớn hơn (44 so với 19) đồng thời các chỉ số sai số, đánh giá chất lượng mô hình đưa ra các kết quả tốt hơn so với năm 2016. Đây là cơ sở để lựa chọn mô hình dạng Log-Lin năm 2021 cho việc ước lượng sinh khối khu vực Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Nhóm thực hiện đề tài cũng nhấn mạnh rằng, năng lực hấp thụ carbon đối với hệ sinh thái rừng Kon Chư Răng (khu vực xung quanh trạm quan trắc Flux của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) được tiếp cận theo 3 phương pháp với 4 công thức tính AGB khác nhau đều thể hiện giá trị trung bình trên dưới 2,5 tấn/ha.năm cho thấy nếu coi phương pháp Eddy-Covariance như là phương pháp đối chứng/kiểm tra thì giá trị tính toán theo 2 phương pháp điều tra sinh khối thực địa theo OTC và phương pháp sử dụng ảnh viễn thám kết hợp với số liệu OTC là đáng tin cậy. Trên cơ sở đó, kết quả ước tính cho toàn bộ khu vực cao nguyên Kon Hà Nừng chỉ ra trung bình hàng năm (giai đoạn 2021-2023) hệ sinh thái rừng tại đây hấp thụ được khoảng 289.326 tấn carbon, trong đó loại rừng gỗ tự nhiên, rừng nguyên sinh, có tính ổn định với trữ lượng rừng từ mức trung bình tới rừng giầu chiếm 83,2% diện tích nhưng chiếm tới 92,2% tổng lượng carbon hấp thụ của toàn bộ khu vực.

Đề tài đã xây dựng được 01 quy trình kỹ thuật xác định sinh khối và năng lực hấp thụ carbon của hệ sinh thái rừng cao nguyên, 01 mô hình xác định sinh khối trên mặt đất cho các kiểu rừng chủ yếu khu vực cao nguyên Kon Hà Nừng cùng 44 bản đồ chuyên đề thể hiện các kết quả nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã hỗ trợ đào tạo 1 Nghiên cứu sinh chuyên ngành bản đồ, viễn thám hệ thông tin địa lý, đào tạo 05 cán bộ thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng về kỹ thuật sử dụng UAV trong giám sát, nghiên cứu hiện trạng lớp phủ. Bên cạnh đó, đề tài đã công bố được 02 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCIE với chỉ số trích dẫn IF đều lớn hơn 3.9 và 01 bài báo trên tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá nội dung đề tài có tính cấp thiết, có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao. Hội đồng cũng đánh giá các nội dung nghiên cứu được thực hiện phong phú, đa dạng, đáp ứng mục tiêu đề ra. Số liệu trình bày trong báo cáo là các tư liệu khoa học mới, phản ánh đầy đủ các nội dung nghiên cứu đã thực hiện. Các sản phẩm đã đạt được của nhiệm vụ đáp ứng về chủng loại, số lượng đăng ký, một số nội dung vượt chỉ tiêu.

Thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá kết quả đề tài.

Kết thúc buổi làm việc, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá xếp loại mức “Đạt yêu cầu”; đề nghị đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm dạng tài liệu, trình Thủ trưởng Trung tâm phê duyệt công nhận kết quả theo quy định./.