TextBody

Nghiên cứu bước đầu xác định vi nhựa trong mẫu nước, trầm tích và thủy sinh vật tại Chi nhánh Phía Nam

30/06/2023

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên toàn cầu, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số đã kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm chất thải nhựa đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Theo báo cáo của Plastics Europe, sản lượng nhựa trên toàn cầu đạt 390,7 triệu tấn vào năm 2021, trong đó mỗi năm có khoảng 12 triệu tấn rác thải nhựa đi vào đại dương. Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam, tổng sản lượng nhựa năm 2022 đạt 9,54 triệu tấn. Tuy nhiên, do việc quản lý chất thải nhựa chưa hiệu quả và ý thức cộng đồng về ô nhiễm nhựa chưa cao nên Việt Nam đang phải đối mặt với các tác động tiêu cực của rác thải nhựa. Cụ thể, lượng rác thải nhựa thải ra hiện nay vào khoảng 3 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải đổ ra biển mỗi năm (BTNMT, 2022). Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái và sức khoẻ con người ở nước ta.

Hình 1. Rác thải nhựa ở ven đảo Việt Nam (ảnh Nguyễn Trọng Dân).

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương tại Quyết định số 1407/QĐ-TTg. Đại diện của Việt Nam cũng khẳng định quyết tâm của nước ta trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật cũng như các chính sách thúc đẩy việc tái chế sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, cùng với các nước chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại các hội nghị quốc tế khác (Hội nghị quốc tế các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020, Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris tháng 5/2023…). Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động về tăng cường quản lý chất thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; .... Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng khỏi tác hại của rác thải nhựa.

Các chất thải nhựa tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài và có tốc độ phân hủy sinh học rất chậm, dưới tác động của điều kiện môi trường, các mảnh nhựa lớn sẽ phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn và sau đó trở thành vi nhựa. Theo UNEP năm 2016, vi nhựa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm và là chất gây ô nhiễm môi trường và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Vi nhựa có mặt trong môi trường từ các hoạt động sản xuất trực tiếp các hạt nhựa nguyên sinh, hạt vi nhựa (microbeads) ứng dụng trong mỹ phẩm, sản phẩm làm sạch và tẩy rửa. Tuy nhiên, nguồn chính phát thải vi nhựa vào môi trường đến từ quá trình phân hủy các mảnh nhựa lớn có sẵn trong môi trường, quá trình phân hủy này có thể là do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như bức xạ tia UV, tác động của sóng và quá trình phân hủy sinh học gây ra bởi các vi khuẩn. Do đó, hình dạng của các hạt vi nhựa cũng rất đa dạng như hình cầu, dạng mảnh hay dạng sợi.

Vi nhựa có kích thước nhỏ gọn nên dễ phát tán, chỉ trong thời gian ngắn, vi nhựa đã có mặt trong các hệ sinh thái gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tới môi trường sống. Việc ăn phải nhựa và vi nhựa đã gây ra cái chết của nhiều sinh vật biển như cá, hải cẩu, rùa và chim do chúng không thể tiêu hoá dẫn đến tắc nghẽn dạ dày, ruột. Ngoài ra, khi các sinh vật phù du ăn vi nhựa, chúng có thể bị các loài sinh vật lớn hơn ăn thịt, từ đó vi nhựa dần dần xâm nhập vào chuỗi thức ăn và con người có nguy cơ tích tụ vi nhựa trong cơ thể thông qua việc ăn các loài sinh vật đó. Mặt khác, các hợp chất nguy hiểm như Phthalates, bisphenol A (BPA), polybromated diphenyl ete (PBDE) được sử dụng trong sản xuất nhiều loại đồ dùng bằng nhựa, khi vi nhựa đi vào cơ thể, chúng có nguy cơ giải phóng các chất độc hại đó gây các bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trước những tác động tiêu cực của vi nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, cần phải có những nghiên cứu đánh giá sâu hơn để đưa ra các giải pháp quản lý và giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa. Hiện nay, tại Việt Nam ô nhiễm vi nhựa đang là vấn đề mới nổi đang được các nhà nghiên cứu quan tâm; tuy nhiên, các nghiên cứu về vi nhựa ở nước ta hiện mới chỉ dừng lại ở việc xác định hình thái, kích thước, phân bố… của vi nhựa trong tự nhiên chứ chưa có những nghiên cứu sâu về cơ chế hấp phụ độc chất, tác động lên hệ sinh thái và sức khỏe con người. 

Bước đầu trong quá trình nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Phân tích môi trường, Chi nhánh Phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã xây dựng được quy trình để phân tích hàm lượng vi nhựa có trong các nền mẫu môi trường như nước, trầm tích và thủy sinh vật (hàu) với kích thước hạt từ 0,074 ÷ 5,00 mm. Quy trình phân tích vi nhựa gồm các bước sau: Thứ nhất, xử lý chất hữu cơ ở 60oC (Mẫu nước và trầm tích các chất hữu cơ được xử lý bằng hỗn hợp H2O2/Fe2+, mẫu hàu xử lý chất hữu cơ bằng dung dịch KOH 10%); thứ hai, tách tỷ trọng sử dụng dung dịch ZnCl2; thứ 3, phân loại vi nhựa theo hình dạng kích thước dưới kính hiển vi soi nổi và cuối cùng là cân để xác định khối lượng. Kết quả thu được giới hạn phát hiện của vi nhựa trong các nền mẫu mẫu nước, trầm tích và hàu lần lượt là: 0,016 mg/L, 0,003 g/kg trầm tích ướt và 0,008 g/kg hàu cả vỏ. Đây là cơ sở để thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn về thành phần, nguồn phát sinh và thực trạng vi nhựa tại Việt Nam.

Hình 2: Một số hình ảnh xử lý mẫu để phân tích vi nhựa tại Chi nhánh Phía Nam: 
(a) Phân hủy chất hữu cơ có trong mẫu; (b) Lọc chân không sau khi tách tỷ trọng; 
(c) Xác định vi nhựa bằng kính hiển vi.

 
Hình 3: Vi nhựa có trong mẫu nước tại Cần Giờ: (a) Vi nhựa dạng sợi; (b) Vi nhựa dạng mảnh.

Như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, vi nhựa nếu không được kiểm soát tốt sẽ là mối nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe con người trong tương lai. Tuy nhiên đây cũng là vấn lớn và mới tại Việt Nam, cần có sự chung tay của các cấp quản lý, các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân. Đặc biệt, rất cần có những nghiên cứu mang tính liên ngành, diện rộng nhằm đánh giá sâu hơn về mức độ ô nhiễm, thành phần, phân bố vi nhựa, các tác động của vi nhựa đến môi trường và sức khỏe con người. Đó là thách thức và cũng là cơ hội để nhóm nghiên cứu hướng tới mục tiêu phát triển phương pháp phân tích thành phần và phân bố vi nhựa ở kích thước nano.

Tin bài: Nguyễn Đức Thịnh (Chi nhánh Phía Nam)